Giải tán trạm thu phí, giải tỏa nhiều khó khăn

Hứa Phương Chủ nhật, ngày 02/10/2016 06:14 AM (GMT+7)
Tỉnh Bình Dương vừa quyết định mua lại trạm thu phí BOT trên tuyến đường ĐT743 từ một doanh nghiệp, sau đó tiến hành nâng cấp mở rộng đường. Khi hoàn thành việc nâng cấp, tuyến đường ĐT743 sẽ không còn trạm thu phí.
Bình luận 0

Huy động vốn ngoài ngân sách để phát triển giao thông

UBND tỉnh Bình Dương vừa mua lại trạm thu phí An Phú trên đường ĐT743 thuộc thị xã Thuận An từ Công ty cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương. Sau khi mua lại, tỉnh Bình Dương bàn giao cho Tổng Công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh) nâng cấp, mở rộng tuyến đường này lên 6 đến 8 làn xe (hiện là 4 làn). Tuyến đường ĐT743 còn được xây cầu vượt tại các nút giao là điểm nóng thường kẹt xe như ngã sáu An Phú, ngã tư 550 và nút giao Sóng Thần. Tổng chiều dài dự án là 12,3km với vốn đầu tư lên đến 1.330 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành việc nâng cấp tuyến đường ĐT743 cũng sẽ không còn đặt trạm thu phí.

img

Trạm thu phí An Phú trên đường ĐT743 đã được UBND tỉnh Bình Dương mua lại để xóa bỏ.
Ảnh: H.P

Nói về việc mua lại trạm thu phí An Phú, ông Trần Thanh Liêm- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đường ĐT743 đang bị ùn tắc vì đây là trục chính nối Khu công nghiệp Sóng Thần, Nam Tân Uyên với TP.HCM. Hơn nữa, do nhu cầu kết nối liên vùng giữa Bình Dương, TP.HCM và các tỉnh trong việc vận chuyển hàng hóa xuống cảng nên Bình Dương mua lại trạm BOT đó để đầu tư, mở rộng đường.

“Việc mua lại trạm BOT này UBND tỉnh chỉ trả tiền vốn cho doanh nghiệp chứ không trả tiền lãi. Cũng phải nói thêm, doanh nghiệp đang quản lý trạm BOT này là một doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý nên Bình Dương mới có thể vận động được. Tiền dùng để mua lại trạm thu phí là tiền ngân sách. Việc này đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương, sau đó mới đưa vào kế hoạch. Việc đầu tư xây dựng mở rộng đường cũng phải do HĐND tỉnh quyết định” - ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, ngoài việc mua trạm thu phí An Phú để xóa bỏ, tỉnh cũng nghiên cứu các giải pháp huy động từ các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Cụ thể, Bình Dương đang nghiên cứu áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ở các dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường Thủ Biên - Đất Cuốc, cầu Bạch Đằng 2...

Người dân, doanh nghiệp ủng hộ

Những ngày này, có dịp lưu thông trên tuyến đường ĐT743 qua địa điểm đặt trạm thu phí An Phú (thị xã Thuận An), không còn thấy cảnh xe ô tô, xe khách, container xếp hàng dài chờ đến lượt qua trạm thu phí như trước.

Ông Lê Văn Điền - lái xe cho công ty ở Cụm công nghiệp Bảy Mẫu, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) cho biết, mỗi ngày ông chở 2 chuyến hàng từ công ty xuống cảng ở TP.HCM. Trước đây, khi trạm thu phí còn hoạt động, vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều thì dòng xe xếp hàng dài ở hai chiều để chờ qua trạm. “Có lúc do ảnh hưởng tắc đường ở vòng xoay An Phú và công nhân đi vào lối cổng sau Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore khiến trạm thu phí tắc dài hơn nên thời gian lưu thông từ cảng về công ty chậm hơn từ 30 phút đến 1 giờ. Nay trạm thu phí đã dừng hoạt động, xe đi qua đây nhanh và thông thoáng hơn” - ông Điền nói thêm.

Ông Truyện - chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho biết, xóa bỏ trạm thu phí An Phú thì công ty ông tiết kiệm được khá nhiều tiền. Cứ 1 vé qua trạm mất 20.000 đồng, trung bình 1  xe nhà ông mỗi ngày chạy qua lại 10 lượt thì mất 200.000 đồng, một tháng 10 ngày xe hoạt động mất khoảng 2 triệu đồng tiền vé. Với 3 xe chạy, doanh nghiệp của ông 1 tháng tiết kiệm khoảng 6 triệu đồng.

Không chỉ những doanh nghiệp mà người dân sống gần trạm thu phí cũng ủng hộ việc xóa bỏ vì trước đây cứ đến giờ cao điểm là họ phải nhìn hai hàng xe xếp hàng dài, tiếng máy nổ, còi xe inh ỏi, khói bụi bay vào nhà ảnh hưởng đến cuộc sống và việc buôn bán làm ăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem