Giáo dục Việt Nam: Cần một cuộc “đại phẫu”

Thứ năm, ngày 18/10/2012 06:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều chuyên gia cho rằng: Giáo dục Việt Nam đang đứng trước cuộc khủng hoảng trầm trọng. Cần có một cuộc “đại phẫu” để giáo dục thoát khỏi những căn bệnh trầm kha, ấu trĩ kéo dài.
Bình luận 0

“Ăn giáo dục, ngủ giáo dục”

Phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 2 khoá VIII về giáo dục, đến nay giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất cho phát triển; thậm chí còn không ít hạn chế, yếu kém, nhất là về chất lượng giáo dục - đào tạo; công tác quản lý và cơ chế tạo nguồn lực và động lực cho phát triển”.

img
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng giáo dục chưa được coi trọng và đầu tư đúng tầm là “quốc sách hàng đầu”.

Nói về vấn đề này, GS-TS Chu Hảo cho rằng: “Cần phải nhận thức rõ rằng giáo dục đang thực sự khủng hoảng, rất nhiều tổ chức và cá nhân có uy tín trong và ngoài nước khẳng định là cần tiến hành một cuộc cách mạng thực sự chứ không phải chỉ là đổi mới căn bản và toàn diện, như ý kiến chính thống vẫn cố tình né tránh”.

GS Chu Hảo nhận định: “Như chúng ta đều thấy, bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều không được thực hiện nghiêm chỉnh; bao nhiêu cảnh báo, kiến nghị của các cá nhân và tập thể đều như “đấm vào bị bông”.

“Coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng lâu nay không thấy có đồng chí ủy viên ban chấp hành nào “ăn giáo dục, ngủ giáo dục” cả. Thậm chí có cảm giác hình như trong những năm gần đây, công cuộc giáo dục được Đảng và Nhà nước “khoán trắng” cho chỉ một người - một Phó Thủ tướng Chính phủ! (?)” - GS Chu Hảo nói.

Đồng tình với quan điểm này, PGS-TS tâm lý học Mạc Vân Trang cho rằng: “Cần “dỡ ra làm lại từ đầu” (hoặc làm mới từ đầu). Cách này mới thực đúng là “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”! Nhưng dân ta hãi lắm rồi, mỗi khi nghe đến “cải cách”, “đổi mới”. Vậy làm sao để đề án này chắc chắn, an dân, thì T.Ư phải có quyết sách”.

Cần có đích đến phù hợp

Kiến nghị giải quyết triệt để cải cách giáo dục, GS Chu Hảo đề xuất: “Nghị quyết lần này nên ngắn gọn, không kể lể dài dòng thành tích, tồn tại theo kiểu “ba sôi hai lạnh”… cần đi thẳng vào những vấn đề cần quyết và chỉ đạo.

Nghị quyết chỉ nên nêu rõ mục tiêu và phương hướng cải cách chứ không đề ra các nguyên tắc cụ thể vì việc ấy là của các chuyên gia chứ không phải của các uỷ viên T.Ư. Chẳng hạn như cần quyết định thành lập uỷ ban quốc gia về cải cách giáo dục độc lập với Bộ GDĐT; Tổ chức tiến hành cuộc tổng điều tra giáo dục năm 2013; tổ chức soạn thảo Đề án tổng thể về cải cách giáo dục trong năm 2014 và thực hiện bắt đầu từ năm 2015…

“Nếu Dự thảo Nghị quyết T.Ư 6 về giáo dục không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu ấy thì không nên ra nghị quyết, bởi nếu không nền giáo dục của chúng ta sẽ không có đường ra khỏi khủng hoảng trong nhiều năm nữa” - GS Chu Hảo nói.

GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT thì cho rằng: “Thách thức lớn nhất trong cải cách là các cấp uỷ và chính quyền có thực sự quan tâm phát triển giáo dục hay không? Nói là giáo dục phải đi trước một bước, thì bây giờ đang đứng cuối bảng. Coi giáo dục là “hạ tầng” thì toàn “hớt ngọn”.

GS Hạc cũng đề xuất: 3 việc cấp thiết phải làm là: Từ nay đến 2015 – 2020 phải đủ trường lớp kiên cố với thiết bị dạy học tối thiểu, các cấp đều học 2 buổi/ngày; mau chóng có sách giáo khoa mới cho phổ thông đảm bảo tính khoa học, chính xác, đơn giản, thiết thực, dạy học và dạy kỹ năng sống; bồi thường, củng cố đội ngũ nhà giáo có phẩm chất và tay nghề. “Không có 3 điều kiện này khó mà đổi mới giáo dục thành công” – ông Hạc nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Phải đổi mới từ nhận thức tư duy, mục tiêu đào tạo, hệ thống tổ chức, loại hình giáo dục và đào tạo, nội dung và phương pháp dạy và học đến cơ chế vận hành, cơ chế quản lý, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, nguồn lực… Đây là những vấn đề hết sức lớn lao, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng...”.

PGS - TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục thì cho rằng: “Cần quán triệt sâu hơn luận điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Lâu nay có một trật tự nghe quen tai: “Điện, đường, trường, trạm” như vậy với tư duy này, giáo dục mới ở vị trí thứ 3 chứ chưa phải vị trí đầu tiên. Chắc chắn giáo dục chưa thể sánh ngang “điện” về sự cấp thiết cho hoạt động kinh tế - xã hội, song có thể nghĩ đến điều này về chính sách đầu tư: Bao nhiều tiền cho làm đường, cũng xin có ngần ấy tiền cho xây trường, cho hiện đại hóa nội dung phương pháp học, cải thiện điều kiện lao động của thầy trò ở mỗi bậc học, ngành học”.

Đã nhiều lần nói về vấn đề này, GS Hoàng Tụy trả lời ngắn gọn: “Mục tiêu giáo dục đưa ra muốn làm được thì phải có những đích đến phù hợp với điều kiện, phải có tính khả thi. Chuyện phổ cập giáo dục, tăng tỷ lệ học sinh khá giỏi… đều được coi là tốt, nhưng không tính đến thực tế, không có giải pháp đảm bảo chất lượng ra sao… nên đã tạo ra bệnh thành tích, giả dối trong đầu tư cho giáo dục, dạy học và thi cử”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem