Hà Nội định rung chuông thay pháo hoa: Chuông không phải là kẻng!

Vinh Hải Thứ tư, ngày 04/01/2017 17:20 PM (GMT+7)
Các nhà nghiên cứu văn hóa bày tỏ sự đồng tình với đề xuất tiếng chuông vang lên vào thời khắc giao thừa nhưng không phải muốn gõ chuông thế nào cũng được.
Bình luận 0

img

Một số nhà nghiên cứu văn hóa bày tỏ sự đồng tình với đề xuất tiếng chuông vang lên vào thời khắc giao thừa (Ảnh minh họa).                   

Như Dân Việt đã thông tin, để thay thế cho việc không bắn pháo hoa, ông Tô Văn Động –  Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tăng cường, bổ sung các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa cũng đang dự kiến đề nghị các nhà thờ, đình, đền, chùa sẽ rung chuông cùng lúc vào thời khắc giao thừa để báo hiệu năm mới đến.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS Trần Hữu Sơn – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nói: “Theo tôi, đề xuất này là rất tốt. Trong truyền thống lịch sử, trước đây vào thời khắc giao thừa người dân trong các làng cũng đón giao thừa bằng âm thanh, họ sử dụng trống, mõ để gõ vào thời khắc chuyển giao năm cũ với năm mới”.

Theo TS Sơn, xét về mặt tâm linh thì lúc đón giao thừa cần có một điểm nhấn thông báo thời khắc chuyển giao hay còn gọi là "đón giờ thiêng".

“Trước đây chúng ta có pháo, pháo hoa bây giờ không sử dụng pháo và năm nay dự tính cũng không bắn pháo hoa nữa thì tiếng chuông vang lên cũng là một đề xuất hợp lý. Tôi đánh giá cao việc này” – TS Sơn cho hay.

Còn GS Trần Lâm Biền thì cho rằng, “không nên gọi việc thay pháo hoa bằng việc đánh chuông. Bởi pháo hoa gần đây mới có, còn tiếng chuông đã trở thành truyền thống”.

GS Biền đánh giá đề xuất cùng lên tiếng chuông lúc giao thừa là điều tốt. Bởi đó là thời điểm năm mới có tiếng chuông báo hiệu, như tiếng gọi của trời đất mở thông thiên địa.

“Nhưng không phải là gõ chuông, rung chuông mà phải là thỉnh chuông có nhịp khoan thai, nhịp nhàng. Chuông không phải là cái kẻng để gõ thế nào cũng được mà còn phải xét đến yếu tố tâm linh. Tiếng chuông rung lên là để tâm hồn con người hòa với trời đất, cùng hướng tới thiện tâm. Do đó tiếng chuông phải khoan thai để đón năm mới với những điều tốt đẹp hơn” – GS Trần Lâm Biền phân tích.

Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Sơn cũng cho rằng để tiếng chuông ngân lên lúc thời khắc giao thừa được hay chúng ta cần có kế hoạch cụ thể.

Ông Sơn đề xuất: “Chúng ta cần bàn bạc gióng chuông như thế nào? Ba hồi chín tiếng hay là 3 hồi ba tiếng. Tôi nghĩ cần có hội đồng tư vấn, cùng nhau tranh luận rồi đi đến thống nhất sẽ hợp lý hơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem