Hà Nội "nhất thể hóa" Bí thư kiêm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố

Thành An Thứ ba, ngày 02/07/2019 17:08 PM (GMT+7)
Bà Ngô Thị Thanh Hằng- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng việc nhất thể hóa Bí thư kiêm trưởng thôn, tổ trưởng Tổ dân phố, sẽ thực hiện ở những nơi có đầy đủ điều kiện cả về điều kiện địa giới tự nhiên lẫn cán bộ, chứ không thực hiện đồng loạt, đại trà.
Bình luận 0

Ngày 2/7, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ 19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm rõ hơn một số ý kiến mà các đại biểu Sở ban ngành, quận huyện quan tâm.

Cụ thể, xung quanh việc thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP. Hà Nội” và thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, bà Hằng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất phê duyệt đề án để 5 quận, huyện tổ chức thí điểm.

img

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ 19 diễn ra trong hai ngày 2-3/7.

Theo đó, tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội (dự kiến tuần tới), HĐND TP sẽ xem xét thông qua Nghị quyết chuyên đề về việc thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, sau khi có Nghị quyết của HĐND TP, đồng loạt 584 xã, phường, thị trấn của TP sẽ triển khai thực hiện theo nội dung tinh thần chỉ đạo của Nghị định này.

Riêng việc sắp xếp, sáp nhập các xã, phường theo Nghị quyết 18-NQ/TW, Hà Nội đã rà soát, có văn bản báo cáo Chính phủ và Bộ Nội vụ và được thống nhất theo đề nghị của TP.

"Việc sắp xếp, sáp nhập các xã, các phường ở Hà Nội, do tính chất đặc thù sẽ làm thận trọng và chưa triển khai thực hiện trong đợt đầu này. Còn việc nhất thể hóa Bí thư kiêm trưởng thôn, tổ trưởng Tổ dân phố, sẽ thực hiện ở những nơi có đầy đủ điều kiện cả về điều kiện địa giới tự nhiên lẫn cán bộ, chứ không thực hiện đồng loạt, đại trà", bà Hằng nêu rõ.

Liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp quận huyện, xã phường theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ, đại diện lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, TP vừa báo cáo lên Chính phủ.

Chiếu theo Nghị quyết của T.Ư, cấp quận của TP. Hà Nội phải có quy mô dân số từ 150.000 người trở lên, diện tích từ 35 km2 trở lên; cấp phường có quy mô dân số từ 15.000 người trở lên, diện tích từ 5,5 km2 trở lên.

UBND TP.Hà Nội cho biết, đối với cấp quận huyện, không có đơn vị hành chính nào thuộc cấp quận huyện phải sắp xếp.

Đối với cấp xã phường, trên địa bàn TP có 21 đơn vị hành chính (gồm 14 phường, 7 xã), cả 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 50% so với quy định.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, TP. Hà Nội phải thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính này trong giai đoạn 2019-2021. UBND TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ và Bộ Nội vụ cho phép giữ ổn định các đơn vị hành này, chưa tiến hành sáp nhập từ nay đến 2021.

Lý do TP. Hà Nội đề nghị cho giữ ổn định đơn vị hành chính cấp xã vì đang triển khai đề án Chính quyền đô thị. Đồng thời, TP. Hà Nội cũng đang trong quá trình phát triển, có tốc độ đô thị hóa rất cao, trung bình mỗi năm tăng dân số khoảng 200.000 người (2,5% dân số).

TP Hà Nội cũng cho biết, khi đề án Chính quyền đô thị được thực hiện, tổ chức, bố máy hành chính của thành phố sẽ có sự thay đổi. Theo đó, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được sắp xếp, tinh gọn.

Được biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (12 quận, 17 huyện, 1 thị xã); 584 đơn vị hành chính cấp xã gồm 177 phường (386 xã, 21 thị trấn).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem