Hành trình Cam: Đấu trí ở tòa án Mỹ

Thứ ba, ngày 09/08/2011 18:44 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 5 năm, qua 3 cấp, Toà án Tối cao Mỹ đã từ chối thụ lý vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Hành động trên đã tạo sự bất bình trong dư luận Mỹ và dư luận quốc tế bởi thái độ thiên vị, thiếu tôn trọng công lý.
Bình luận 0

Trưởng đoàn Luật sư Mỹ bảo vệ nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) VN Jonathan Moore khẳng định, vụ kiện chưa kết thúc...

Vụ kiện chưa có tiền lệ

Ngày 30.1.2004 được coi là ngày trọng đại với các nạn nhân CĐDC/dioxin VN bởi đây là lần đầu tiên đại diện của họ đứng lên đòi công lý thông qua việc gửi đơn tại Toà án sơ thẩm quận Brooklyn, bang New York (Mỹ) kiện 37 công ty hoá chất của nước này đã sản xuất và cung cấp hoá chất độc hại cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam phải bồi thường.

img
Nạn nhân CĐDC VN thảo luận với luật sư trước khi bước vào phiên tranh tụng.

Vụ kiện đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân Mỹ và trên thế giới. Đây cũng là vụ kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ bởi có các nguyên đơn là người nước ngoài khởi kiện tại Mỹ, theo luật Mỹ và do quan toà Mỹ xét xử. Ở tòa phúc thẩm, có đến 20 vị thẩm phán, 3 trong số đó được chỉ định để xem xét kháng cáo.

Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin VN đã tiến hành một quá trình chuẩn bị hồ sơ lâu dài và đầy đủ để đưa vụ kiện các công ty sản xuất chất độc ra Tòa án Liên bang Mỹ. Trong đó, Hội đã tuyển chọn được 100 hồ sơ và những báo cáo, công trình nghiên cứu về hậu quả của CĐDC/dioxin để cung cấp cho các luật sư Mỹ bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân trong vụ kiện này.

Hội nghị tiền xét xử lần đầu tiên đã diễn ra vào ngày 18.3.2004. Hội nghị tiền xét xử thứ 2 diễn ra vào ngày 18.6.2004. Ngày 13.9.2004, các luật sư của nguyên đơn đã trình Tòa sơ thẩm đơn kiện sửa đổi. Bên bị đã trình Tòa án sơ thẩm bản tranh tụng của mình (đợt 1) vào ngày 3.11. 2004, bản tranh tụng thứ 2 được trình ngày 18.1.2005. Ngày 28.2.2005, hai bên bắt đầu tranh tụng tại Tòa sơ thẩm.

Ngày 10.3.2005, quan tòa Jack Weinstein thuộc Tòa án liên bang tại quận Brooklyn đã bác đơn kiện, quyết định rằng những đòi hỏi của bên nguyên không có cơ sở pháp luật.

Quan tòa kết luận rằng CĐDC không bị xem là một chất độc bị cấm theo luật quốc tế vào lúc Mỹ dùng nó, ngay cả khi ảnh hưởng không cố ý của những chất này có thể gây ra nguy hại đối với đời sống của con người và môi trường. Quan tòa còn cho rằng Mỹ không bị cấm dùng CĐDC để diệt cỏ; và những công ty sản xuất chất này không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền...

Luật sư Jonathan Moore - đại diện đoàn luật sư bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân CĐDC/dioxin của VN, phản đối: "Các hóa chất này đã gây tổn hại đến sức khỏe của người dân VN. Tôi sẽ cùng với các luật sư đại diện cho các nạn nhân VN tiếp tục theo đuổi vụ kiện đến cùng".

“Quái chiêu” của tòa án Mỹ

Ngày 7.4.2005, đoàn luật sư đại diện cho các nạn nhân Việt Nam nộp đơn yêu cầu Tòa kháng án liên bang khu vực 2 ở New York xét xử lại và phủ quyết phán quyết trước đây của Chánh án Jack Weinstein. Ngày 22.2.2008, Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tại New York đã ra phán quyết bác đơn kiện của các công dân VN, nạn nhân CĐDC/dioxin đòi các công ty hóa chất Mỹ bồi thường. Tòa này đã y án sơ thẩm. Ngày 18.3.2008, Đoàn Luật sư Mỹ và Hội Luật gia Dân chủ quốc tế gồm 10 người đã đến VN để hỗ trợ về mặt pháp lý cho các nạn nhân trong vụ kiện sắp tới lên Tòa án Tối cao Mỹ.

Ngày 6.10.2008, phía VN tiếp tục nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ nhưng đã bị Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn vào ngày 2.3.2009. Dư luận cho rằng, việc tòa án Mỹ từ chối lời thỉnh cầu của các nạn nhân VN là đã bỏ lỡ cơ hội thể hiện sự công minh của pháp luật và tinh thần yêu chuộng công lý, tôn trọng nhân quyền của nhân dân Mỹ. Theo luật sư Lưu Văn Đạt - người theo vụ kiện từ đầu, lý do Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện của nạn nhân CĐDC VN là theo luật pháp Mỹ, khi một vụ án được gửi đến Tòa phúc thẩm thì nhất định phải được xem xét giải quyết. Nhưng cùng vụ việc đó nếu được gửi lên Tòa án Tối cao thì không nhất định phải đưa ra xét xử.

Sau 5 năm, qua 3 cấp, Toà án Tối cao Mỹ đã từ chối thụ lý vụ kiện này. Nhưng, vụ kiện đã giúp thế giới hiểu hơn về bản chất của cuộc chiến tranh, âm mưu tiến hành chiến tranh hoá học với luận điệu “dùng chất diệt cỏ để khai quang” đã bị vạch trần...

Đơn kiện của các nạn nhân CĐDC VN đưa ra lập luận rằng, các tập đoàn hóa chất đã không tuân thủ theo đơn đặt hàng của Chính phủ Mỹ mà cung cấp các hóa chất có chất độc dioxin. Các công ty cung cấp chất hóa học phát quang cây cối biết chúng có nồng độ dioxin cao và có khả năng hạ nồng độ đó xuống nhưng họ đã không làm vậy vì lý do lợi nhuận. Luật sư Jonathan Moore cho rằng: “Họ (các công ty sản xuất thuốc diệt cỏ) đã cố sản xuất được càng nhanh, càng nhiều CĐDC càng tốt vì lo ngại Chính phủ phát hiện, cấm sản xuất sẽ giảm khả năng sinh lời của họ”. Luật sư Moore cũng lập luận rằng, số lượng 80 triệu lít CĐDC rải xuống VN là con số quá mức cần thiết để diệt cỏ.

Cũng theo luật sư Moore, “chứng minh chất độc có trong chất diệt cỏ là điều chúng tôi đã làm được và tòa án sơ thẩm đã chấp nhận điều đó, tuy nhiên họ lại chuyển sang bàn về vấn đề luật pháp. “Chiêu” của họ là khi đuối về luật, họ sẽ nhằm vào thực tế, khi yếu về thực tế, họ lại nhằm vào luật. Khi đuối về cả luật, cả thực tế thì họ cố gắng làm cho vấn đề chính trở nên lẫn lộn...

Bài 3: Thần Công lý sẽ gõ cửa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem