Hát rong đường phố - Nghiệp cầm ca cũng lắm công phu

Thứ bảy, ngày 07/02/2015 08:00 AM (GMT+7)
Nói đến hát rong đường phố, nhiều người hình dung đó là những người tàn tật lay lắt mưu sinh nơi vỉa hè, góc chợ. Nhưng không, chỉ với dàn loa, chiếc micro và chút hàng bán kèm theo, những người trẻ đưa hát rong trở thành một nghề đầy triển vọng của nhiều thanh niên hiện nay.
Bình luận 0
Cũng đành, xin làm người hát rong…

Câu ca đó vang lên như nói hộ tâm sự của những thanh niên chọn “kiếp cầm ca” làm nghiệp mưu sinh. Trong tiếng nhạc thô mộc của vài thiết bị điện tử giữa phố đêm, những nhóm hát rong đường phố đang miệt mài ngân lên những ca khúc phục vụ khán với đủ cung bậc cảm xúc và đủ thể loại âm nhạc. Giọng hát chân phương, chưa từng qua trường lớp tối tối cất lên, lẫn với ồn ào phố xá nhưng lại có sức hấp dẫn rất riêng…

Ngồi tình cờ ở khu đô thị mới Định Công – Hà Nội, chúng tôi được thưởng thức màn âm nhạc giản dị, bình dân do những thanh niên trong nhóm hát rong đường phố biểu diễn. Hỏi thăm với vẻ tò mò, chúng tôi được một người bán hàng rong, tên là Nguyễn Thị Trang (Quảng Xương – Thanh Hóa) cho biết, đây là nhóm hát cùng quê với chị, đã mưu sinh bằng nghề hát rong hơn một năm tại Hà Nội.

Chị cũng cho biết, thu nhập của nghề này rất khá, mỗi ngày có thể thu về hàng triệu đồng, cả tiền khách cho lẫn tiền bán hàng kèm theo. Xin địa chỉ các thành viên từ chị, chúng tôi ngỏ ý xin gia nhập nhóm hát rong và cũng có được lịch hẹn với người “ca sĩ” tên Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1993, tại Quảng Xương, Thanh Hóa). Qua Nam, chúng tôi biết thêm được nhiều điều về những “ca sĩ nghiệp dư” này và con đường mưu sinh muôn màu muôn vẻ của họ.

Theo lời kể, Nam thi trượt đại học liền lên thành phố làm việc. Thời gian đầu Nam đi theo các tổ thợ xây làm phụ hồ, sau đó vì công việc quá nặng nhọc nên Nam chuyển sang làm nhân viên trong quán karaoke. Làm được một thời gian, nhận thấy môi trường phức tạp và không thể tiết kiệm được tiền nên Nam nghỉ làm. Đúng lúc đó, một người anh dưới quê tên Nguyễn Văn Thương, đang mưu sinh bằng nghề hát rong đường phố nên rủ Nam theo, Nam vào nghề từ đó.

Nam cho biết, nhóm Nam có 3 người, ai cũng hát được nhưng thay phiên nhau, người hát, người đẩy loa, còn một người đi bán hàng. Nam tâm sự: “Mới đầu cũng ngại lắm, rất khó hát cho tự nhiên, nhưng làm rồi thấy quen. Việc này khá nhẹ nhàng và thu nhập cũng ổn nên em theo đến tận giờ”.

Nam cũng cho biết, người anh tên Nguyễn Văn Thương, sinh năm 1988, không biết hát nhưng đã nhìn ra triển vọng của nghề hát rong. Thương đứng ra đầu tư trang thiết bị, gồm loa, âm ly, ắc quy, micro, xe… để thuê Nam và bốn người nữa, chia thành hai tổ đi hát và Thương trả lương theo doanh thu, nuôi ăn, ở.

Nhóm hát xong về thống kê lại và giao cho Thương, mỗi tháng Thương trả cho mỗi người khoảng 4 - 5 triệu, nếu doanh thu cao thì có thể hơn. Mỗi bộ âm thanh Thương đầu tư vào khoảng hơn chục triệu, lấy lại vốn cũng khá nhanh, chỉ sau vài tháng. Nếu nhóm hát nào bị bắt, làm hỏng đồ nghề thì phải bỏ tiền đền, Thương cũng có hỗ trợ thêm chút vì cũng là người cùng quê.

Người bạn cùng nhóm với Nam là Lê Văn Long, xuất thân từ một miền quê nghèo xứ Thanh nhưng có được giọng hát dễ nghe nên gắn bó với nghề này đã gần hai năm. Long cho biết, khu vực Định Công có vài nhóm thôi, hầu hết là người Thanh Hóa. Còn ở các khu vực khác thì dân Nam Định, Thái Bình, Hà Tây lên khá nhiều. Trước kia thì việc hát rong còn phổ biến, trong miền Nam rất nhiều, nhưng giai đoạn gần đây có phần giảm đi.

Long cũng nói thêm: “Hát rong đường phố này mỗi đêm đi mỗi nơi khác nhau, không thể hát nhiều ở một nơi cố định vì rất dễ gây nhàm chán và khó chịu cho mọi người. Địa bàn thuận lợi nhất là ở các nơi có không gian rộng, nơi đông người tập trung giải khát, nghỉ ngơi buổi tối như các khu đô thị mới, các quán bia vỉa hè có mặt đường rộng…”.

Bản thân Long cũng cho biết, mình bỏ học khá sớm, đi làm qua nhiều nghề nhưng thu nhập không là bao, cuối cùng đã trụ lại với nghề hát rong. Tuy nhiên, Long và Nam cũng cho biết, đây không phải là lựa chọn lâu dài, chỉ hát vài năm nữa là phải đi học nghề để mưu sinh cho tương lai.

Mối tối, nhóm Long hát vào khoảng 7-10h đêm với vài chục bài hát, thu nhập… khách cho chủ yếu là 5-10 nghìn đồng, có hôm gặp khách “sộp” thì được hơn. Mọi người mua thêm kẹo cao su, lạc rang… của nhóm bán kèm nên cũng có thêm nguồn thu nhập. Những tháng mùa mưa thì nhóm đi làm việc khác.

Nam cũng nói thêm, nhắc đến hát rong người ta cứ nghĩ là những người tàn tật, neo đơn đi hát để xin tiền sống qua ngày. Nhưng chúng tôi không như vậy, chúng tôi hoàn toàn khỏe mạnh, đi hát là một nghề thật sự, hát để bán hàng chứ cũng không xin xỏ ai. Để có được sức và kỹ thuật để hát mấy chục bài mỗi đêm thì em cũng phải tập luyện, giữ gìn cổ họng và sức khỏe. Còn đi hát không chỉ là hát, để tồn tại được với nghề thì còn phải học nhiều chiêu thức.

Hát rong cũng phải đào tạo

Chúng tôi xin đi hát cùng Nam, nhưng nhóm đã đủ người nên hẹn sau này. Nam cũng gợi ý cho chúng tôi thành lập một nhóm riêng, Nam khẳng định nghề này rất có triển vọng: “Không thể thất bại được anh ạ”, đó là câu trả lời cho câu hỏi về khả năng thu hồi vốn và thu nhập bằng nghề này. Theo những câu chuyện của Nam, để hát được thì cũng phải bỏ công sức luyện tập và tuân thủ một số quy tắc nhất định.

img

Nhóm hát cần phải tuân thủ chỉ đạo của “ông bầu”. Đây là người lo hết mọi việc bên lề như phân chia địa bàn với các nhóm khác, sắm sửa đồ nghề… Các thành viên cũng phải trung thực trong thu chi. “Anh em tin nhau là chính, nếu có gian dối thì không hay”- Nam nói.

Một việc quan trọng trong nghề đi hát là năng khiếu. Đó là chất giọng, khả năng biểu cảm và trò chuyện với khán giả, điều này không phải ai cũng làm tốt được. Mỗi ngày, trước khi đi hát, các thành viên đều bỏ thời gian để tập luyện. Mọi người truyền lại kinh nghiệm cho nhau.

Nam tâm sự, trước tiên phải tự tin, nhiều người không thể làm chủ được bản thân mình trước đám đông nên câu hát rất vô hồn, run rẩy. Phải xác định đây là nghề nghiệp lương thiện, kiếm tiền bằng chính sức lực của mình.

Bên cạnh đó, cần phải lưu ý chọn bài hát phù hợp với chất giọng, không quá cao, không quá luyến láy dài, nhất là nhạc vàng. Không thể nghe ca sĩ hát hay thì mình hát cũng hay được, họ chuyên nghiệp và có hệ thống âm thanh cao cấp. Ai cũng có những bài “tủ” cho mình và mỗi người lại phù hợp với một dòng nhạc khác nhau.

Nói cụ thể hơn về kỹ thuật, Nam cho biết thêm, cách lấy hơi cũng khá quan trọng. Trong nhiều câu hát dài nếu không đủ hơi thì khó có thể hát được, dẫn đến đuối hoặc ngắt câu thành vô nghĩa. Có những kỹ thuật như lấy hơi dài ở những câu hát không quá gấp gáp, lấy hơi trộm ở các câu hát dài, để cho người nghe khó phát hiện, nghĩ giọng mình dài.

Bên cạnh đó còn có lấy hơi ngắn, ém giọng, trộm hơi, cướp hơi… khi ở những tiết tấu gấp, nhanh, hoặc khi đã mệt mà vẫn còn phải hát… Nói chung, lấy hơi phải đúng cách và phải rèn luyện thì bài hát mới suôn sẻ.

Bên cạnh đó, Nam cho biết, thỉnh thoảng nhóm cũng phải hát nhép vì… mệt quá, hoặc phải chỉnh âm thanh cho át bớt giọng thật đi khi giọng không được hay. Đôi khi cũng phải hát theo yêu cầu của khán giả, hay thì họ cho thêm tiền.

Không chỉ biết hát, nhóm hát rong còn phải biết trò chuyện duyên dáng, cuốn hút với khán giả thì mới có được sự thoải mái và chú ý của mọi người. Đây là điều rất khó, mọi người phải học hỏi, rèn luyện, bắt chước nhau, bắt chước những câu nói vần, điệu, kiểu như trong đám cưới học quảng cáo…

Chưa hết, muốn được khách mến thì mình còn phải biết chọn địa điểm cho phù hợp. Ở các quán bia, quán cà phê, quán trà đá về đầu tối thường được mọi người chú ý. Nếu hát đúng tâm trạng của họ thì được ủng hộ hơn.

Tuy nhiên, không có gì là suôn sẻ, nhóm hát nào cũng gặp những tai nạn nghề nghiệp vài lần. Long kể lại: “Nhiều khi đang hát thì trời đổ mưa, vội vàng che đồ lại nhưng người hát vẫn đứng hát cho đến hết bài mới được vào trú mưa, lúc đó cũng ướt hết người. Hoặc nhiều khi đang hát thì bị chủ quán ra đuổi vì gây ồn ào, nhiều người không thích. Còn chuyện bị người đứng xem châm chọc, nói thầm thì rồi cười cợt thì cũng khá nhiều, nhưng cái đó thì phải quen”.

Cuộc sống thành thị muôn vàn nghề nghiệp mưu sinh, mỗi nghề một khó khăn riêng. Nghề hát rong đường phố không chỉ đến vì miếng cơm manh áo, đây còn là nơi thỏa chí đam mê ca hát của nhiều người, nuôi lớn ước mơ của họ. Thành phần trong các nhóm hát cũng khá đa dạng, sinh viên có, phụ hồ có, tiếp tân cũng có... Không gì là đơn giản, nhưng theo đánh giá của nhiều người, khi thấy nhóm hát rong bao giờ họ cũng chú ý lắng nghe, đó là một màn trình diễn khá gần gũi, giản dị, mộc mạc …
(Theo Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem