Hiên ngang Trường Sa: Bài thơ thần trên đảo Đá Tây

Thứ bảy, ngày 12/05/2012 06:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trên sân thượng khu hậu cần nghề cá Đá Tây, đoàn khách từ đất liền lặng người trước bài thơ tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt: "Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Bình luận 0

“Đảo rất nhỏ, nói một câu là hết”, câu này tôi đọc được từ tiểu thuyết “Đảo chìm” của Trần Đăng Khoa trước chuyến đi. Vâng, đảo chìm rất nhỏ nhưng hàng loạt đảo rất nhỏ ấy nối thành một vành đai che chắn, bảo vệ cho đất liền từ phía biển…

“Làng chài” giữa biển

Đoàn chúng tôi đi đến các cụm đảo phía Nam Trường Sa. Trong đó, nhỏ nhất là Đá Lát nơi có ngọn hải đăng cao tới 42m. Rộng nhất là Thuyền Chài, một bãi san hô có hình hài của một chiếc thuyền câu. Và được đầu tư bề thế nhất là Đá Tây, nơi Bộ NNPTNT phối hợp với Quân chủng Hải quân xây dựng Khu tổ hợp nuôi trồng thủy sản – dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành bến bờ của ngư dân.

img
Đảo chìm Đá Tây vững vàng giữa biển khởi với những công trình kiên cố và hiện đại.

Trên bãi rộng 3.000m2, Khu hậu cần nghề cá Đá Tây đã được đầu tư xây dựng bến trụ cập tàu, sân bãi, kho chứa hàng, nhà nghỉ cho ngư dân, nhà kính trồng rau xanh…

Anh Bùi Văn Thục, một nhân viên đã làm việc ở đây 4 năm, cho biết: Cứ đến mùa trăng, những chiếc thuyền câu (bám biển 3-4 tháng) từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… lại ghé vào đảo nghỉ ngơi. Họ được cung cấp nhu yếu phẩm và dầu với giá trong bờ, được sửa chữa, bảo dưỡng máy móc miễn phí và được cứu hộ, cứu nạn, chăm sóc sức khỏe khi cần.

“Chúng tôi, ai cũng mong trăng lên, ngư dân cập tàu san sát. Đảo chìm này bỗng hóa thành một làng chài đông vui, quen thuộc như ở quê nhà…” – mắt Thục bỗng đỏ hoe.

Dấu vết nhà cao chân

Lính đảo rất nổi giữa đám đông bởi da rất đen và răng cười rất trắng. Một anh lính đón tôi bằng nụ cười, chỉ tay ra 8 cọc bê tông “đứng” dầm nước cạnh đảo Thuyền Chài, nói: “Đó là dấu tích của nhà cao chân, nơi đồng đội đi trước của chúng tôi đã từng sống, chốt giữ đảo trong nhiều năm liền…”.

Nhà cao chân, là dạng nhà được dựng trên 8 cọc bê tông, rộng chừng 30m2, che bằng cót ép, lợp tôn. Từ năm 1988, trước âm mưu xâm lấn của nước ngoài, những vật liệu để dựng nhà cao chân đã được mang ra đảo, dựng lên trên những đảo chìm để bộ đội sống, chốt giữ, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Ngày nay, tại đảo chìm Đá Tây, chúng tôi cũng thấy nhà chòi tương tự được dựng bên cạnh một công trình nhà lâu bền mới đang được gấp rút hoàn thiện. Trong nhà, 3 thiếu úy công binh trẻ tuổi tên Trần Văn Huy, Khổng Văn Linh và Vũ Trường Giang đang nhịp nhàng “điều khiển khói lửa”, chuẩn bị cơm trưa cho toàn đơn vị. Họ reo lên khi nhận từ tay tôi những tấm hình chụp chung với một vị khách từ đất liền nhờ mang ra. Huy nói, cái nhà tạm vài chục mét vuông này là nơi ở của 80 lính công binh đang xây dựng một số công trình ở đảo này.

Cũng như lính đảo, họ đã đi khắp các đảo chìm của quần đảo Trường Sa, chạy đua với thủy triều, sóng biển, bão biển để kịp đổ bê tông xuống biển dựng nhà giữ đảo. “Công trình này sắp bàn giao rồi, cái nhà tạm này cũng sẽ được tháo dỡ để mang đến dựng lại tại một điểm đảo khác. Bọn em lại chuẩn bị lên đường đến nơi mới chị ạ…” – Huy vui vẻ nói.

“Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Trên sân thượng của khu hậu cần nghề cá Đá Tây, đoàn khách từ đất liền lặng người trước bài thơ thần, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Lý Thường Kiệt được khắc tại đền thờ Việt Quốc công. “…Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Giữa biển trời mênh mông, dâng một nén hương trước bài thơ thần, lòng tôi bỗng trào dâng cảm xúc khó tả. Đảo Đá Tây được được hải quân ta đóng giữ từ cuối năm 1987. Cạnh đảo Đá Tây, đảo Đá Đông được đóng giữ và bảo vệ thành công đầu năm 1988, trước sự tranh chấp quyết liệt của “nghịch lỗ”.

Năm 2011, đã có 421 lượt tàu thuyền của ngư dân vào đảo Đá Tây được cung cấp 393.000 lít nhiên liệu, 1.070m3 nước ngọt miễn phí, cung ứng 20 tấn lương thực…

Đại tá Nguyễn Văn Dân, từng là Phó trưởng đoàn, phụ trách chỉ huy đi biển của Vùng 4 Hải quân trong chiến dịch dựng nhà cao chân, chốt giữ đảo bảo vệ chủ quyền năm 1988, kể: Ngày 15.2.1988, chúng tôi lên đường trên hai con tàu trọng tải 200 tấn đến các đảo phía Nam Trường Sa như Đá Đông, Châu Viên, Đá Lát… để dựng nhà cao chân.

Tối 18.2 (vào đúng mùng 2 Tết), trời bỗng nổi dông lớn, thấy quân Trung Quốc có ý định đổ bộ lên mỏm Tây của đảo Đá Đông, đoàn hành quân của đại tá Dân cấp tốc chạy đến Đá Đông. Tàu HQ 641 lao thẳng lên Đá Đông, gấp rút làm nhà cao chân, kéo cờ lên khẳng định chủ quyền ngay trước mũi tàu đối phương. Các tàu chiến của đối phương cứ quần liên tục ở bên ngoài, chĩa thẳng nòng pháo vào đảo. Lúc đó, tàu ta chỉ là tàu vận tải 200 tấn, vũ khí không đáng kể. Nhưng trước tinh thần quyết liệt giữ đảo, bảo vệ chủ quyền, đối phương đành phải rút lui.

“Đó là cái tết đáng nhớ nhất trong đời tôi. Chuyến đi đó chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đóng giữ các đảo được giao…” - đại tá Dân nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem