“Hoàn thổ sau khai khoáng-hứa suông”: Ký quỹ để tránh chây ì

Lương Kết (thực hiện) Thứ tư, ngày 27/07/2016 06:00 AM (GMT+7)
"Tôi nghĩ, các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay, khi tiến hành đơn vị khai thác phải ký quỹ với Nhà nước. Khoản ký quỹ đó phải tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng" - ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trao đổi với phóng viên NTNN sau khi báo đăng loạt bài “Hoàn thổ sau khai khoáng - hứa suông”.
Bình luận 0

Là đại biểu Quốc hội và là thành viên của Ủy ban Khoa học -Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông thấy tình trạng sau khai thác tài nguyên khoáng sản thế nào?

- Trong thực tế, quá trình quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản có nhiều bất cập. Chúng tôi đến vùng nào diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản cũng thấy bà con bức xúc. Theo tôi, nguyên nhân ở đây có thể nói từ việc cấp phép và quản lý. Nhiều địa phương cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản nhưng quy hoạch không rõ ràng, quản lý của địa phương sau khi cấp phép cho doanh nghiệp (DN) khai thác không được thực hiện nghiêm túc.

img

 Khai thác titan tại Quảng Nam.  Ảnh: I.T

Theo tôi, một dự án khai thác khoáng sản không hoàn thổ hay khắc phục lại hiện trạng, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ dự án. Còn việc điều hành, phối kết hợp thế nào để giám sát, kiểm soát thực hiện cho được, có thể kết hợp địa phương, phải bỏ ra một khoản chi phí để họ quản lý song hành, bởi không phải dự án khai thác nào cũng của địa phương”.

Ông Trương Minh Hoàng

Vấn nạn môi trường tan hoang sau khai khoáng diễn ra nghiêm trọng dường như chưa được Quốc hội đề cập, thưa ông?

- Không phải vậy, nếu liên kết các kỳ họp của Quốc hội tại khóa XIII, tiếng nói của đại biểu Quốc hội rất mạnh về vấn đề này. Tuy nhiên, sự điều chỉnh của các cơ quan quản lý chưa được như mong muốn để làm chuyển biến tình trạng trên. Cá nhân tôi không nhớ đã phát biểu bao nhiêu lần, không chỉ tôi mà có nhiều đại biểu Quốc hội cùng nói về vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản vô tội vạ, khi phát biểu chúng tôi cũng dẫn chứng cả hậu quả đã xảy ra.

Để giải quyết vấn đề trên cần có sự điều hành tổng thể, chấn chỉnh quyết liệt. Điều tôi thấy mừng vì gần đây khi đi giám sát thấy các cơ quan chức năng vào cuộc cũng khá mạnh tay. Ví dụ Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã quyết định đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên hay cơ quan pháp luật đang tiến hành điều tra chặt phá rừng pơmu ở Quảng Nam.

Việc DN khai khoáng không thực hiện đúng cam kết trong việc hoàn thổ, trả lại hiện trạng phải chăng do chưa có chế tài hay biện pháp mạnh đối với họ?

- Tôi nghĩ, các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay, khi tiến hành, đơn vị khai thác phải ký quỹ với nhà nước. Quỹ đó phải tương xứng với phần chi phí bồi hoàn, khắc phục lại hiện trạng. Khi DN khai thác ký quỹ, nhà nước giữ khoản tiền đó, sau khi khai thác xong DN bồi hoàn hiện trạng đúng như cam kết mới cho họ được rút khoản tiền đó ra. Trường hợp DN không làm, nhà nước dùng quỹ đó để thuê người làm. Còn nếu chỉ cam kết bằng những văn bản thông thường, rất khó yêu cầu DN thực hiện đúng cam kết sau khi họ khai thác xong.

Trường hợp phải đóng khoản tiền ký quỹ lớn gây khó khăn cho DN, cơ quan chức năng có thể tạo điều kiện cho họ bằng cách nắm bắt số tài khoản của DN, rồi thỏa thuận với nhau, nếu anh không thực hiện đúng cam kết sau khai khoáng sẽ nhờ cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản này.

Việc DN chây ì, trốn tránh trách nhiệm hoàn thổ, khôi phục hiện trạng sau khai khoáng, chính quyền địa phương có trách nhiệm thế nào, thưa ông?

- Trước hết phải xem dự án đó thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào, có những dự án khai thác tài nguyên khoáng sản do cấp bộ quản lý, địa phương chỉ phối hợp. Theo tôi, một dự án khai thác khoáng sản không hoàn thổ hay khắc phục lại hiện trạng, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ dự án. Còn việc điều hành, phối kết hợp thế nào để giám sát, kiểm soát thực hiện cho được, có thể kết hợp địa phương, phải bỏ ra một khoản chi phí để họ quản lý song hành, bởi không phải dự án khai thác nào cũng của địa phương. Ví dụ như những dự án khai thác lớn thuộc bộ, ngành quản lý, có những dự án khai thác ở cấp tỉnh, cấp huyện cấp phép, quản lý. 

Để kiểm soát được vấn đề đó rất cần tính công khai, chẳng hạn khai thác trữ lượng bao nhiêu, diện tích khai thác bao nhiêu, vị trí chỗ nào, từ đâu đến đâu phải có sơ đồ, bản đồ treo công khai cho dân biết, chỉ có như vậy mới kiểm soát kịp thời được. Sau khi khai thác xong việc hoàn thổ, bù đắp lại thế nào cũng phải được công khai, để nếu DN không thực hiện đúng cam kết, người dân địa phương có thể báo cơ quan chức năng không cho di chuyển máy móc, phương tiện đi nơi khác.

Xin cảm ơn ông ! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem