Học văn hóa... gõ cửa

Nguyễn Văn Dũng (Dòng đời) Thứ bảy, ngày 13/12/2014 13:00 PM (GMT+7)
Hồi ấy, tôi dạy học ở trường Trần Quốc Tuấn - Quảng Ngãi. Nhà tôi trong khu tập thể. Nhiều khi đang ngủ, tôi nghe cửa lay ầm ầm, thì ra chị hàng xóm muốn mượn cây viết, hoặc xin tờ giấy. Rất thường, nhà tôi kẻ ra người vào, tự do như cái chợ.
Bình luận 0

Lần nọ, đang lúc ngủ trưa, tôi nghe ba tiếng gõ cửa. Lắng nghe, lại ba tiếng gõ cửa. Tôi vùng dậy vì biết chắc rằng đấy là một vị khách đàng hoàng, đáng kính. Nhưng không, đó là một cháu bé, tay ôm bó hoa huệ, khẽ khàng nói với tôi... Chả là, cô học trò lớp 11C biết tôi thích hoa huệ nên lâu lâu đi học, em mang cho tôi bó hoa huệ lấy từ vườn nhà.

Hôm nay em ốm nên nhờ cô út mang đến. Tôi nhìn cháu bé, vừa ngạc nhiên vừa chan chứa niềm quý trọng. Hẳn cháu được nuôi dưỡng trong một gia đình có văn hóa nên mới biết được phép lịch sự tối thiểu khi vào nhà người khác. Đó là, nếu cửa đóng thì phải gõ cửa hoặc bấm chuông. Gõ ba tiếng. Đợi. Lại gõ ba tiếng. Đợi. Sau ba lần như thế mà cửa không mở thì đó là dấu hiệu chủ nhà đi vắng, hoặc vì lý do nào đó họ không sẵn sàng tiếp mình.

Từ lần gặp ấy, tôi tìm cách làm quen với gia đình cháu bé. Cho đến bây giờ, đã hơn 45 năm, tôi vẫn còn nhớ như in gia đình ấy - gia đình đã hào phóng coi tôi như một thành viên; vẫn còn nhớ như in khuôn mặt cháu bé lịch sự, dễ thương; trong lúc nhiều người khác cùng sống với tôi trong khu tập thể thì tôi vẫn không sao nhớ nổi.

Mới hay, hoài niệm bao giờ cũng được lưu giữ rất lâu nếu được in dấu từ những con người lịch sự, tao nhã biểu hiện một nhân cách cao đẹp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem