Học viên phải học về tác hại rượu bia trước khi thi lấy bằng lái xe

Thế Anh Thứ tư, ngày 30/10/2019 06:10 AM (GMT+7)
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 38/2019 sửa đổi một số điều của Thông tư 12 quy định về đào tạo cấp giấy phép lái xe (GPLX) với nhiều điểm mới như: Học viên sẽ phải học môn đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu bia… những thay đổi này đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Bình luận 0

Thêm môn đạo đức, văn hóa giao thông

Việc đào tạo bằng thiết bị mô phỏng được thực hiện từ 1/1/2021 và sát hạch từ 1/5/2021. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2020, theo quy định mới, sẽ thực hiện giám sát bằng camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch như: Điểm xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc.

Đối với công tác đào tạo, kể từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết. Học viên phải học đầy đủ thời gian của môn học lý thuyết mới được dự sát hạch. Đặc biệt, cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường để giám sát số km học lái xe trên đường của học viên.

img

  Các học viên ôn thi lý thuyết tại trung tâm sát hạch lái xe ở Hà Nội. (ảnh: Thế Anh)

Đáng chú ý, so với chương trình đào tạo cũ thì môn đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông được đổi thành đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. Trong đó, nội dung "phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông" chiếm 2 giờ.

Trao đổi với PV Báo NTNN, GS-TS Từ Sỹ Sùa, Trường Đại học GTVT cho rằng: Việc học thêm môn đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu bia là rất cần thiết. Bởi lẽ, thời gian qua các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu là lỗi từ tài xế. Trong đó, các lỗi cơ bản nhất là uống rượu bia, vượt đèn đỏ, vượt đường sắt dẫn tới các vụ tai nạn thương tâm.

“Điển hình như vụ tai nạn xảy ra trên QL5 ở Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã lấy đi sinh mạng của gần 10 người. Nguyên nhân cũng được xác định là do tài xế sử dụng chất kích thích. Vì vậy cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đưa môn học này vào dạy để giúp học viên hiểu được khi cầm vô-lăng tức là họ đang có trách nhiệm rất lớn với bản thân họ và xã hội. Chỉ cần 1 tích tắc lơ đãng thôi là có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng”- GS-TS Từ Sỹ Sùa phân tích.

Theo GS-TS Sùa, có thể nói, ý thức chấp hành tham gia giao thông của người dân hiện nay rất kém, chỉ cần ra đường thôi có thể thấy muôn vàn hình thức vi phạm đạo đức khi tham gia giao thông. Ví dụ: Đi xe máy chở 3 - 4 người; vượt đèn đỏ; lạng lách đánh võng; lái xe thì uống rượu bia; đi ngược chiều,... Điều đó để nói lên rằng, muốn giảm tai nạn giao thông cần “siết” nguy cơ từ “trứng, nước”. Theo GS-TS Sùa, việc này lẽ ra phải được làm từ lâu.

“Siết” thời gian thực hành 

Hệ thống đào tạo sát hạch GPLX của chúng ta còn quá nhiều lỗ hổng, dù luật đã có nhưng khi thực hiện thì lại không làm được. Trong những năm qua, báo chí cũng đã phản ánh rất nhiều về tình trạng học giả thi giả, học viên chỉ cần bỏ ra một số tiền là sơ hữu được GPLX, thể hiện rõ những lỗ hổng trong các quy định của pháp luật”. 
Luật sư Vũ Văn Biên - Trưởng chi nhánh Văn Phòng luật sư An Phước 

Mặc dù hơi lo lắng về việc thời gian đào tạo sẽ phải kéo dài hơn so với trước nhưng rất nhiều người đang là học viên hoặc đã có bằng đều đồng tình với các quy định mới, đặc biệt là việc thêm thời gian học về tác hại rượu, bia, môn đạo đức, văn hóa giao thông và giám sát thời gian học lý thuyết, thực hành.

Anh Nguyễn Mạnh Cường (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Sau khi đóng các loại phí cho trung tâm để được sát hạch GPLX ở phần thực hành anh được giáo viên đưa ra thực hành ở ngoài đường trường. Ngoài ra, giáo viên không dạy thực hành ở trung tâm mà đưa đến một bãi tập khác để thực hành sa hình.

Tính từ khi học đến khi có bằng, anh chỉ học được khoảng 5 buổi thực hành. Do vậy, để thi được anh phải thuê xe và thầy dạy ngoài giờ. Trong quá trình học, còn phải đóng nhiều khoản chi không tên khác như: Bồi dưỡng thầy sau mỗi giờ tập, mời thầy ăn uống, thuê thầy dạy kèm nên chi phí tăng lên gấp bội.

Anh Cường cho rằng: “Việc phải học thêm môn đạo đức, văn hóa giao thông và tác hại rượu bia sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, người cầm vô lăng ngoài hiểu luật phải có ý thức tham gia giao thông mới không gây hại cho người khác. Ngoài ra, việc giám sát thời gian học lý thuyết và thực hành tại trung tâm cũng sẽ giúp học viên được học thật, thi thật chứ không kiểu vẫn ú, ớ ra đường ngay cả khi có bằng”.

Anh Vũ Minh Hữu - Giáo viên dạy lái Trung Tâm Đào tạo lái xe VOV cho biết: “Những học viên muốn được sát hạch GPLX sẽ phải nộp hồ sơ đăng ký qua bộ phận tuyển sinh của Trung tâm.  “Sau khi xét duyệt hồ sơ, chúng tôi nhận thấy thí sinh nào không đạt yêu cầu sẽ loại hồ sơ đó. Phần đào tạo, hiện nay chúng tôi chia thành nhiều phần: Tổ chức các buổi học lý thuyết tại Trung tâm, hướng dẫn các nội dung ôn tập; học viên sẽ phải học trên hệ thống mô phỏng; thực hành ngoài đường và thực hành trên sa hình. Khi nào học viên đạt yêu cầu chúng tôi mới cho phép họ thi sát hạch. Việc có thêm quy định mới vào công tác giảng dạy, chúng tôi cũng đang lên kế hoạch để thực hiện”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam lại cho rằng, hiện, vai trò của các trung tâm đào tào lái xe chỉ ở mức độ quản lý thủ tục hành chính và là trung gian giữa người học viên và giáo viên dạy lái thôi nên chúng ta cần phải có thêm những cơ chế “siết chặt” quản lý hoạt động của các trung tâm.

“Việc đào tạo lái xe chủ yếu là giáo viên tự chủ động lịch học và tìm học viên để tự đào tạo chỉ khi đến kỳ sát hạch mới đến trung tâm. Trong khi đó, chúng ta lại chưa giám sát được thời gian thực hành của học viên, dẫn đến chương trình học bị cắt xén, nhất là học thực hành, học viên học xong có bằng nhưng không dám lái xe ra đường”- ông Thanh nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem