Ia Tiêm vượt khó bằng nội lực

Thứ ba, ngày 22/10/2013 06:38 AM (GMT+7)
Gần chục năm trước, Ia Tiêm tồn tại như một ốc đảo với những hủ tục lạc hậu mà chuyện “thuốc thư”, “ma lai” là thí dụ... Bây giờ, vùng đất ấy là một minh chứng về sự đổi mới, làm giàu bằng chính nội lực của người dân.
Bình luận 0
Chủ tịch xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê, Gia Lai) Rơ Com Việt có lẽ mới ngoài 30. Chỉ sau cái bắt tay, tôi đã nhớ ngay ra anh trong sự vụ nóng bỏng ngày 10.4.2004. Hôm đó con đường trước ủy ban xã này đông nghẹt. Dễ chừng phải đến nửa số dân của 19 thôn, làng kéo về đây.

Không hàng ngũ, không kẻ xướng, cái gọi là “cuộc biểu tình” ấy chỉ là một đám đông nhấp nhóa như đàn ong mới đáp. Tay ai nấy vung, miệng ai nấy hét, họ đòi Nhà nước trả đất, đuổi người Kinh về đồng bằng. Những lời giải thích, vận động của cán bộ xã cứ chìm nghỉm như hòn sỏi ném vào làn sóng biển…

Đến lượt Rơ Com Việt. Lúc đầu người ta có vẻ dịu xuống nhưng chỉ lát sau tiếng hô hoán đã chĩa vào anh như mũi dao nhọn “mày là con chó của người Kinh; cả nhà mày hãy cút theo người Kinh”. Điều khiến tôi cảm phục là sẽ chẳng lường trước được điều gì với đám đông đang bị kích động ấy, Việt vẫn bình tĩnh cùng các lực lượng chức năng kiên trì vận động, giải thích. Phải suốt đêm ngày 10 đến trưa ngày 11 trật tự mới được vãn hồi…

Ông Kpah Do (trái) trên mảnh đất ông hiến tặng đã được xây dựng trường mẫu giáo.
Ông Kpah Do (trái) trên mảnh đất ông hiến tặng đã được xây dựng trường mẫu giáo.

Những giã từ ngày cũ…

Rất thẳng thắn, Rơ Com Việt nói rằng trong sự kiện bạo loạn mang màu sắc chính trị dạo ấy, nguyên nhân có một phần lỗi của cán bộ cơ sở. Chỉ cách TP.Pleiku non 20km nhưng Ia Tiêm vẫn tồn tại như một ốc đảo với những hủ tục lạc hậu mà chuyện “thuốc thư”, “ma lai” là một thí dụ.

Đành rằng sự đầu tư hạn chế của Nhà nước khiến đời sống người dân còn khó khăn là cái cớ để bọn Fulro lợi dụng kích động, song là cán bộ thì phải biết dân cần gì. Bắt đầu từ năm 2005 với sự chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ, Nhà nước đã tăng cường đầu tư mọi mặt cho xã Ia Tiêm – đặc biệt là với đối tượng hộ nghèo.

Họ được vay vốn ưu đãi, được ưu tiên đào tạo nghề, xuất khẩu lao động; được cấp giống, phân bón, bò sinh sản. Rồi các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cũng xúm vào giúp xã – đặc biệt là 2 công ty cao su…

Từ những tiền đề đó, xã một mặt tập trung củng cố an ninh, mặt khác tiến hành quyết liệt cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, nếp làm... Với phong trào trồng cà phê, hồ tiêu nở bung mạnh mẽ; các loại cây ngắn ngày có giá trị được đưa vào thay thế cây lúa rẫy, nếu trước năm 2004 tỷ lệ hộ nghèo của xã còn trên 50% thì nay đã giảm xuống hơn một nửa. Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, Ia Tiêm mới đạt có 2 tiêu chí thì nay đã đạt 6. Năm 2011, Ia Tiêm đưa mình ra khỏi danh sách các xã vùng 3…

Đây quả là những con số thật ý nghĩa với một xã chậm tiến nhường ấy mà tình hình an ninh lại “nóng” nhường ấy… Dẫu sao thì tôi vẫn muốn tự mình cảm nhận hơi thở của cái mới qua ngần ấy thời gian. Thong thả tản bộ dọc con đường trải nhựa thẳng tắp, tôi nhận ra ngã ba được coi là “trung tâm” của xã, xưa là những vũng nước nhoét nhoe với những căn nhà gỗ ám khói ngơ ngác từ chối một cái nhìn ra, bây giờ là những căn nhà xây mới mở toang ngõ đầy hãnh diện.

Khỏi ngã ba một quãng ngắn, những khu vườn xưa còi cọc dăm gốc cà phê mít, lẻo khẻo vài trụ hồ tiêu giống cũ... thì bây giờ là rùng rùng những rừng cọc xi măng. Dẫu sao thì phong trào “nhà nhà trồng hồ tiêu” cũng chỉ mới bắt đầu từ năm 2009 và đang ở dạng tiềm năng. Động lực thực sự để đưa Ia Tiêm lên một nấc thang dài mới là cây cà phê.

Cà phê bủa vây quanh làng một vành đai xanh, khẳng định thế đứng trẻ trung của nó trên những triền đất mới năm nào còn là giang sơn tưởng như bất diệt của cây lúa rẫy. Bất ngờ giữa thảm xanh ấy là những cánh đồng khoai lang. Giống khoai lang Lệ Cần vốn nức tiếng cao nguyên, về đồng đất Ia Tiêm vẫn mang theo được những tố chất nguyên thủy.

Khoai lang bán cho tư thương tự thu tại ruộng mỗi ha 30 triệu đồng; trừ phân, giống còn lãi được hơn 20 triệu. Mà mỗi năm khoai lang làm được những 3 vụ, vị chi mỗi ha đất cho sinh lợi suýt soát 70 triệu đồng… Trong thảm xanh bát ngát cà phê, trong những rừng cột hồ tiêu đang rùng rùng đổ đèo leo dốc kia, tôi chắc có sự góp sức của một thứ cây vẫn được ví với những gì rẻ rúng…

Chuyện “lột xác” của một người tham gia gây rối

Dù đã hẹn chắc 2 giờ, mãi đến chập tối tôi và Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Văn Thoại mới thấy Kpah Do lò dò từ rẫy về. Kpah Do cười thoải mái khi nghe tôi rào đón chuyện ông đi biểu tình rồi vượt biên:

- Chuyện đã xảy ra rồi, chính quyền có bắt tội gì đâu mà phải giấu… Hôm đó Do đang hái cà phê thì thấy thằng Kpah Thi hộc tốc chạy đến. Sau này mới biết là hắn đang bị công an truy bắt tội cầm đầu gây rối.

“Mày đang bị công an tìm bắt, không muốn đi tù thì hãy theo tao vượt biên ngay”. Tôi sững người. Trong vụ gây rối tại Pleiku năm 2001 chính thằng Thi kéo tôi đi. Hắn bảo: “Mày lên Pleiku biểu tình sẽ được chia nhà người Kinh".

Tưởng thật, tôi theo hắn. Vừa đến đầu phố thì đám đông đã bị công an giải tán, thế là phải lếch thếch đi bộ trối chết trở về… Bây giờ thì hẳn công an đang lùng bắt vì tội ấy đây. Hốt hoảng, tôi bỏ dở việc theo hắn. Đi bộ ròng rã gần 2 tháng trời, đôi chân trần của tôi lở loét, sưng vù như bị ai giội nước sôi. Đến biên giới đang lớ ngớ thì cả hai bị Công an Campuchia bắt.

Thằng Thi được đưa vào “trại tị nạn”, còn tôi thì bị trao trả cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Về đến nhà đinh ninh thế nào mình cũng bị bắt đi tù, hóa ra xã chỉ gọi lên khuyên bảo. Chuyện xảy ra khiến tôi cả đêm không ngủ được… Đời tôi khổ lắm. Được 4 mùa rẫy thì mẹ chết, 4 anh em phải ở với ông bà ngoại.

Cả xã Ia Tiêm bấy giờ bị nhốt trong “ấp chiến lược”, đến hột muối ăn cũng bị kiểm soát. Mùa giáp hạt bà tôi phải nấu lá mì cho cả nhà ăn thay cơm. Nhiều bữa tôi đói tưởng chân tay như muốn rụng… Cái trò vượt biên để tìm cuộc sống sung sướng hay đòi người Kinh trả đất, bây giờ tôi đã nhận ra là luận điệu xằng bậy của bọn Fulro. Có ai thiếu đất đâu mà phải đòi! Cùng sống trên đất này, không nói người Kinh, ngay người Jrai cũng có người làm giàu được, tại sao mình lại nghèo? Với suy nghĩ ấy, tôi quyết tâm “làm lại cuộc đời”.

Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, Ia Tiêm mới đạt có 2 tiêu chí thì nay đã đạt 6. Năm 2011, Ia Tiêm đưa mình ra khỏi danh sách các xã vùng 3…

Với vốn liếng đến 8ha đất cùng nguồn vốn ưu đãi được vay, Kpah Do quyết liệt bắt tay vào việc “đuổi cây lúa rẫy”. Sau 4 năm gia đình Do đã trồng được 4ha cà phê. Cuộc sống sáng lên từ năm 2006 khi toàn bộ cà phê cho thu hoạch. Vốn đẻ vốn, Do phát triển thêm 400 trụ tiêu; 4ha khác luân canh bắp lai, khoai lang. Tổng thu nhập của ông có năm đạt hơn 400 triệu đồng… “Tôi bây giờ ở dưới mọi người rồi, là vì phải chia phần cho con ra ở riêng” – Kpah Do tặc lưỡi.

Làng Ngo bây giờ số hộ làm ăn khá không ít. Nói riêng 130 hội viên nông dân thì đã có 15 hộ đặc biệt khá, mỗi năm thu hơn 300 triệu đồng; xây nhà to, đến người Kinh cũng phải nể. Chẳng những không nghe lời kẻ xấu, cứ nói đến mấy thằng ở nước ngoài là bà con ghét lắm. Họ bảo: “Chúng nó lừa mình chống lại chính quyền, giờ sang đó mượn ô tô chụp hình gửi về định lừa dân làng lần nữa. Giàu thế sao không gửi tiền về để bà con hắn phải nhờ Nhà nước cho mượn tiền làm ăn?”.

Ông Thoại nghe, bật cười xen vào: “Plei Ngo phong trào sản xuất, bảo vệ an ninh khá lắm. Cũng là nhờ tài vận động của Chi hội trưởng Kpah Do đấy”. Rồi như chợt nhớ, ông bảo: Còn việc ông hiến đất làm trường học nữa, sao không kể? Kpah Do ngượng nghịu gãi đầu. “Chuyện là thế này: Dạo đó huyện cho làng xây trường mầm non nhưng đất không tìm ra. Thấy lũ con nít chưa đến tuổi đi học lớp 1 cứ phải ngày ngày theo cha mẹ vật vờ ngoài rẫy, tôi thấy thương, nghĩ:

Đời mình khổ, bị bọn Fulro nó lừa cũng là do không có chữ. Bây giờ mọi chuyện Nhà nước đã lo cho, chỉ vì thiếu miếng đất mà để các cháu phải mất học thì vô lý quá. Nghĩ vậy tôi mới bàn với gia đình hiến miếng đất mặt đường sát bên vườn này… Lúc đầu ai cũng giãy nảy: Miếng đất đến 800m2, giá cả trăm triệu mà lại đem cho? Kiên trì thuyết phục mãi, cuối cùng gia đình cũng nghe tôi…”.

Mải theo câu chuyện đời Kpah Do cuốn hút, giờ lên đèn đã đến lúc nào. Trời càng về tối, con đường trước ngõ càng dày tiếng nổ chói tai của xe độ chế, xe công nông từ rẫy trở về… Tôi chợt nhận ra chưa đến tháng thu hoạch, mới chỉ là không khí của những ngày sắp chớm vào mùa…

Ngọc Tấn (Ngọc Tấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem