Khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII: Chăm lo hơn cuộc sống của nông dân

Lương Kết (ghi) Thứ tư, ngày 20/05/2015 07:38 AM (GMT+7)
Trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII (20.5), phóng viên NTNN đã trao đổi với một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) xung quanh một số vấn đề mà các đại biểu đang hết sức quan tâm và sẽ đưa ra nghị trường góp ý, bàn thảo. 
Bình luận 0

ĐB Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp: Phải nắm tinh thần, nội dung dự thảo Văn kiện

img

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, việc cho ý kiến vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng là lần thứ hai Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.

Văn kiện của Đảng cho kỳ đại hội tới do các cơ quan của Ban Chấp hành T.Ư chuẩn bị. Việc lấy ý kiến thế nào sẽ thực hiện từ trên xuống. Tại Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng vừa qua cũng đưa vấn đề này ra. Hiện nay vấn đề lấy ý kiến góp ý cũng đang được gửi cho các cơ quan T.Ư và địa phương để triển khai Đại hội Đảng từ chi bộ trở lên. Trong nội dung của chi bộ, đảng bộ có nội dung đóng góp vào Văn kiện trình Đại hội toàn quốc khóa XII của Đảng.

Quốc hội, với ý nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, cũng phải đóng góp ý kiến cho dự thảo Văn kiện. Một vấn đề nữa là ĐBQH là đại diện cho nhân dân thì cũng cần phải nắm bắt tinh thần, nội dung của các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng để khi tiếp xúc cử tri mới có thông tin để có hướng dẫn, trao đổi giúp cho cử tri và nhân dân rõ hơn về việc tham gia ý kiến cho Văn kiện trình Đại hội Đảng.

ĐB Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn TP.Hà Nội): Chăm lo hơn cuộc sống của nông dân

img

Kỳ họp này cũng như các kỳ họp Quốc hội trước, việc xây dựng pháp luật là vấn đề quan trọng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải quan tâm đến cuộc sống của gần 70% dân số Việt Nam, đó là những người nông dân, ngư dân, diêm dân. Vừa qua tôi có tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gỡ khó khăn cho ngư dân, thấy vấn đề hết sức bức thiết. Chỉ khi đời sống của những người lao động được nâng lên thì sự phát triển bền vững của đất nước mới đảm bảo. Giải pháp nào để giúp cho cuộc sống của gần 70% dân số được ổn định, được bền vững là vấn đề cần quan tâm. Trong đó có các giải pháp về khoa học công nghệ, các giải pháp khác như quản lý thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp để nâng cao giá trị của sản lượng nông nghiệp, để người nông dân làm ra sản phẩm phải bán được với giá cả phù hợp...

Quốc hội cần tập trung vào việc tìm giải pháp, xem lại từ trước đến nay Nhà nước đã đưa ra những chủ trương, chính sách gì với khối nông thôn, nông nghiệp, nông dân; chúng ta đã làm được đến đâu, còn những tồn tại gì... từ đó tìm giải pháp cần thiết.

ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Chưa thấy có nội dung về Biển Đông

img

Trong kỳ họp Quốc hội, nếu có diễn biến bất thường về vấn đề Biển Đông tôi tin các ĐBQH sẽ có ý kiến đưa nội dung này vào kỳ họp. Còn hiện nay chưa thấy đưa vấn đề Biển Đông đưa vào trong chương trình của kỳ họp.

Một vấn đề nữa là trong thời gian qua việc tiêu thụ nông sản cho nông dân rất kém, không đạt được hiệu quả. Tôi đề nghị Chính phủ, cụ thể là Bộ Công Thương với tư cách là quản lý thị trường phải có giải pháp để giúp nông dân tiêu thụ được sản phẩm làm ra. Bởi chúng ta có khoảng 70% dân số làm nông nghiệp, nếu đời sống người nông dân có gì đó không ổn định sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, liên quan đến sự ổn định quốc gia.

ĐB Trần Ngọc Vinh - Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng: Quy hoạch tốt để tránh được mùa, mất giá

img

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm về nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhưng trong thời gian qua việc thực hiện các chính sách lại chưa đồng bộ. Vấn đề thứ hai là chúng ta chưa có chiến lược lâu dài về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân, việc này vẫn kém, như tình trạng dưa hấu, hành tím... ế ẩm, giá thấp. Sản lượng nông nghiệp đã chú trọng nâng lên rồi, nhưng chất lượng hàng hóa còn thấp do vậy giá bán trên thị trường không bằng các nước trong khu vực, rất thiệt thòi cho bà con nông dân. Do đó Chính phủ cần có biện pháp mạnh hơn nữa, đặc biệt Bộ NNPTNT phải có quy hoạch theo các vùng, vùng nào trồng cây gì, chất lượng ra sao, hàng hóa sẽ tiêu thụ ở đâu... Có như thế mới giúp cho bà con nông dân tránh được tình trạng "được mùa mất giá".
Dự kiến thông qua 11 dự án luật

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 20.5, dự kiến bế mạc ngày 26.6. Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật, trong đó có những dự luật quan trọng như Luật Tổ chức Chính phủ: Luật Chính quyền địa phương; Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)... Quốc hội cũng thảo luận cho ý kiến 15 dự án luật khác, đáng chú ý như Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật An toàn thông tin, Luật Trưng cầu ý dân... Quốc hội kỳ này cũng sẽ xem xét việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội). 

Quốc hội cũng sẽ thảo luận, góp ý về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ban Chấp hành T.Ư Đảng muốn dự thảo Văn kiện có được sự góp ý của toàn dân để tiếp thu được tinh hoa, trí tuệ của toàn xã hội. Quốc hội sẽ bố trí thảo luận tại Đoàn về dự thảo Văn kiện.

Ngọc Lương

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem