'Khi nào chứng minh đủ phương tiện công cộng mới hạn chế xe cá nhân'

Hữu Ký Thứ sáu, ngày 14/07/2017 16:26 PM (GMT+7)
Đây là khẳng định của đại diện Sở GTVT TP.HCM tại buổi làm việc ngày 14.7 với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Viện Chiến lược), về đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân.
Bình luận 0

Tại buổi làm việc, đại diện Viện Chiến lược cho rằng hiện nay xe cá nhân (ô tô, xe máy) tại thành phố gia tăng nhanh trong khi hạ tầng không đáp ứng kịp. Còn các loại hình VTHKCC kém phát triển, thành phố vẫn chưa có loại hình vận tải như BRT, Metro. Trong khi đó tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, bên cạnh các giải pháp phát triển VTHKCC, thành phố cần có các biện pháp tài chính, hành chính, kỹ thuật để kiểm soát, tiến tới hạn chế dần xe cá nhân, bởi đây là xu hướng tất yếu.

img

Nhiều ý kiến cho rằng thành phố hạn chế xe cá nhân.

Việc kiểm soát phương tiện cá nhân được đề xuất thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2017 - 2020, thành phố cần ưu tiên thực hiện các giải pháp: Tăng phí trông giữ xe, hạn chế đỗ xe máy trong khu vực trung tâm, mở rộng không gian đi bộ; kết hợp đẩy mạnh phát triển xe buýt, nâng cao chất lượng phương tiện, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, thu phí xe cơ giới vào khu vực trung tâm…

Song song đó, từ nay đến năm 2030, thành phố cần tập trung phát triển các tuyến đường sắt theo quy hoạch như các tuyến BRT, Metro, kết hợp các biện pháp giới hạn đăng ký mới đối với phương tiện xe cá nhân. Đặc biệt, phân vùng, hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực phục vụ của VTHKCC. Theo đề xuất, vào năm 2030 (hoặc sau năm 2030) thành phố ngưng hoạt động xe máy tại một số khu vực trung tâm và khu vực hay xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Ngoài ra Viện Chiến lược cũng mở rộng khái niệm về xe cá nhân, trong đó bao gồm cả ô tô con, xe công vụ, mô tô, xe máy 2-3 bánh, xe máy điện, xe đạp điện và xe đạp... Còn các loại xe ô tô khác như xe chở hàng, xe tải, xe chuyên dùng, xe máy 2-3 bánh chở hàng cũng được đưa vào khái niệm là xe cá nhân.

Liên quan đến đề án này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định, đến năm 2030 thành phố vẫn chưa cấm xe gắn máy. Thời gian này, thành phố sẽ nghiên cứu cũng như thực hiện các biện pháp như trên để kiểm soát việc sử dụng loại phương tiện này cùng các phương tiện giao thông cá nhân khác. “Chỉ khi nào chứng minh được có đủ phương tiện giao thông công cộng cho người dân đi lại thì TP.HCM mới tính đến việc cấm xe máy”, ông Cường khẳng định.

Trong khi đó nhiều chuyên gia giao thông cho rằng thành phố cần phát triển hệ thống VTHKCC để hạn chế, tiến tới cấm xe máy. Do đó xe buýt vẫn được xác định là phương tiện chủ lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân với điều kiện xe buýt phải đảm bảo an toàn, tiện nghi, dịch vụ được nâng cao.

Riêng TS.Lương Hoài Nam nhận định, thành phố cần có lộ trình hạn chế xe máy và tạo sự đồng thuận, cố gắng đến năm 2030 cùng với TP.Hà Nội dừng hoạt động xe máy. Tuy nhiên ông cho rằng việc hạn chế và tiến tới cấm xe máy không phải mục tiêu của TP.HCM. Mục tiêu chính của thành phố là mang lại cho người dân một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn văn minh và rẻ hơn xe máy cá nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem