Bên cạnh đó, top chủ đề nóng trong ngày được bàn luận nhiều trên mạng xã hội còn có: Khi chủ tịch tỉnh về hưu đùa cợt với kỷ luật; Trường hoàn trả gần 83 triệu đồng thu 'chưa hợp lý' với lớp 1; Đã sửa lại “giới tính” cho thiếu nữ 17 tuổi không được đi học cấp 2...
Lãnh đạo TP.HCM nói ông Đoàn Ngọc Hải cực đoan trong phát ngôn
Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải trong một lần ra quân xử lý trật tự vỉa hè. Ảnh Dân trí
Theo Chánh Văn Phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, ông Hải nói "đến quận 1 phải biết luật không thì về rừng U Minh mà sống" là đụng chạm nhiều người.
Theo ông Hoan, người dân đi đâu, làm gì thì phải tuân thủ quy định pháp luật. Ngoài quy định chung thì mỗi địa phương cũng có những quy định riêng theo thẩm quyền. “Tất nhiên là quy định cũng dựa trên quy định Nhà nước chứ địa phương không tự "đẻ" ra, người dân cũng phải biết điều này”, ông Hoan nói.
Ông Hoan cũng chia sẻ rằng cách nói như trên là hơi bị sốc, có thể đụng chạm đến người dân. Đáng ra, phải tuyên truyền, vận động, giáo dục sẽ mang lại hiệu quả hơn.
“Thành phố là nơi hội tụ người dân từ nhiều nơi và phải trân trọng đóng góp của họ. Người ta không những đóng góp vấn đề kinh tế mà còn làm cho thành phố văn minh lịch sự hơn”, ông Hoan nói.
Trước đó, trong buổi ra quân xử lý trật tự vỉa hè trên đường Võ Văn Kiệt chiều 21.9, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải có giải thích với một tài xế vi phạm rằng: “Sống ở quận 1 làm phải biết luật, chấp hành luật, còn không thì về rừng U Minh mà sống”.
Khi chủ tịch tỉnh về hưu đùa cợt với kỷ luật
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng. Ảnh: Người lao động
Trả lời báo chí về kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ về những sai phạm của mình thời còn đương chức, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng nói: “Tôi nghỉ hưu rồi, họ muốn xử sao thì xử".
Việc đã từng làm của ông cựu Chủ tịch tỉnh Gia Lai khi còn đương chức được Ủy ban Kiểm tra TƯ kết luận “sai phạm nghiêm trọng” đến mức “phải kỷ luật” là: Chỉ đạo làm đường nhập khẩu gỗ từ Lào trái quy định; vi phạm trong chỉ đạo quản lý đất đai; chỉ đạo bổ nhiệm người thân không đủ điều kiện... Đặc biệt là sai phạm nghiêm trọng trong việc chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su, dẫn đến rừng mất, dân nghèo, gây hệ lụy lâu dài về kinh tế - xã hội và môi trường.
Thế nhưng, trả lời báo chí về những sai phạm của mình, ông cựu Chủ tịch tỉnh này đã buông một câu nhẹ hều như chẳng có chuyện gì, rằng: “Tôi nghỉ hưu 2 năm rồi, họ muốn xử thế nào thì xử!”.
Trường hoàn trả gần 83 triệu đồng thu 'chưa hợp lý' với lớp 1
Năm học 2017-2018, trường Tiểu học Thạch Quý (TP.Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) thông báo, với mỗi học sinh bắt đầu vào lớp 1, phụ huynh phải nộp trước một triệu đồng khi đi làm thủ tục nhập học.
Nhiều phụ huynh phản ánh, họ đóng tiền mà không có phiếu tạm thu, không hiểu rõ số tiền đó được dùng vào mục đích gì. Việc thu tiền diễn ra đã nhiều năm trước.
Kiểm tra sự việc, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Tĩnh làm việc với trường Tiểu học Thạch Quý, kết luận việc tạm thu là chưa hợp lý, yêu cầu phải chấn chỉnh.
Một lãnh đạo trường Tiểu học Thạch Quý cũng thừa nhận việc tạm thu một triệu đồng là sai quy trình. Việc "ứng trước" tiền của phụ huynh là do năm học này khối một tăng thêm một lớp nên cần 40 bộ bàn ghế mới. Nhà trường dùng số tiền này để mua bàn ghế, bởi đầu năm chưa có nguồn kinh phí nào khác.
Đại diện nhà trường thừa nhận những năm trước có tạm thu đối với các phụ huynh của học sinh lớp 1, song việc này là để mua quần áo đồng phục, sách vở cho học sinh.
"Năm nay, trường có 90 học sinh vào lớp 1, đã tạm thu của 85 em với số tiền gần 83 triệu đồng. Hiện chúng tôi đã hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận", lãnh đạo nhà trường nói và cho hay, sau sự việc, trường sẽ bàn bạc với phụ huynh và cấp trên để đề ra mức thu, dự kiến sẽ không quá 1.250.000 đồng.
Đã sửa lại “giới tính” cho thiếu nữ 17 tuổi không được đi học cấp 2
Ngày 25.9, ông La Phúc Thành - Chủ tịch UBND huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết trong sáng cùng ngày, ông đã đích thân ký đóng dấu các giấy tờ liên quan đến thiếu nữ Trần Văn Hải (17 tuổi, thôn An Truyền, xã Phú An) thành Trần Thị Hải.
Sau khi có đơn của gia đình em Hải gửi lên huyện, trong ngày 23.9, cán bộ tư pháp huyện Phú Vang đã về nhà em Hải xác minh. Đến ngày 25/9, giấy khai sinh, hộ khẩu em Hải đã được sửa tên từ “Trần Văn Hải” sang “Trần Thị Hải” và giới tính được sửa từ “nam” thành “nữ”.
Hiện tại em Hải đang làm phục vụ tại một quán ăn tại thị trấn Thuận An vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Riêng bản thân em sau khi học các lớp xóa mù chữ năm cấp 1, lúc vào cấp 2, do giấy khai sinh ghi giới tính nam nên đã không thể nộp hồ sơ nhập học được.
Nguyên nhân là khi em Hải mới sinh ra, bố mẹ em mù chữ nên nhờ người hàng xóm cũng… mù chữ đi làm giấy khai sinh nên đã khai với cán bộ xã Phú An nhầm từ nữ thành nam. Khi có giấy rồi thì cả nhà cũng không hay biết cất trong tủ, đến lúc vào cấp 2 mới vỡ lẽ thì xin sửa lại nhưng không được.
Sau khi có báo chí vào cuộc, chỉ trong vài ngày, em Hải đã được “trả lại” giới tính thật của mình trong giấy khai sinh, sổ hộ khẩu và sắp tới là làm giấy chứng minh nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.