“Không chỉ đơn thuần là sự bắt tay hai bên”

Lương Kết - Hoàng Thắng (thực hiện) Thứ ba, ngày 21/06/2016 13:30 PM (GMT+7)
“Qua theo dõi trên báo, độc giả có thể cảm nhận được “có vấn đề” khi những bài viết vừa đăng lên một thời gian ngắn đã bị gỡ xuống sau đó. Ẩn chứa đằng sau câu chuyện này còn rất nhiều yếu tố khác chứ không đơn thuần chỉ là sự "bắt tay" thỏa thuận giữa hai bên”.
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của ông Phan Hữu Minh - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, trong cuộc trao đổi với NTNN.

img

Các phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện ở TP.HCM do doanh nghiệp tổ chức.  Ảnh: T.L

Thời gian qua có hiện tượng những bài báo phản ánh tiêu cực được đăng lên nhưng sau đó lại bị gỡ một cách "bí ẩn". Qua hiện tượng này cho thấy phải chăng đang xuất hiện một “cách làm báo” mà cơ quan quản lý báo chí chưa thể hoặc khó quản lý, thưa ông?

Việc đưa ra dẫn chứng cụ thể để nói việc đăng bài nhưng sau đó rút bài xuống vì động cơ không lành mạnh lại rất khó. Trong quá trình tác nghiệp, xử lý các vụ việc cũng rất khó gặp các trường hợp có đủ chứng cứ để kết luận rằng có sự bắt tay thỏa thuận giữa hai bên”.

Ông Phan Hữu Minh

- Cần phải nói một cách công bằng là hiện tại chúng ta chưa phát hiện trường hợp nào có sự "bắt tay nhau" hay sự dàn xếp giữa nhà báo, đại diện cơ quan báo chí với phía đơn vị, cá nhân có vi phạm mà bài báo đã nêu, sau đó bài báo bị gỡ đi. Tuy nhiên, qua theo dõi trên báo, độc giả vẫn có thể cảm nhận được vấn đề này khi có những bài viết vừa đăng lên một khoảng thời gian ngắn rồi bị gỡ xuống sau đó. Ẩn chứa đằng sau câu chuyện này còn rất nhiều yếu tố khác chứ không đơn thuần chỉ là sự "bắt tay" thỏa thuận giữa hai bên.

Những người làm báo chân chính không đồng tình với cách làm này, thậm chí lên án việc này. Nhưng đưa ra dẫn chứng cụ thể để nói việc đăng bài nhưng sau đó rút bài xuống vì động cơ không lành mạnh lại rất khó. Trong quá trình tác nghiệp, xử lý các vụ việc cũng rất khó gặp các trường hợp có đủ chứng cứ để kết luận rằng có sự bắt tay thỏa thuận giữa hai bên.

Chính vì thế, trong hoạt động báo chí cần phải kêu gọi sự trung thực, đạo đức, trách nhiệm xã hội của người làm báo. Không câu khách, không sử dụng mánh khóe nghề nghiệp để vụ lợi.

Ông có lo ngại việc phóng viên lợi dụng đi điều tra tiêu cực sau đó lại "bắt tay" với đối tượng sai phạm dưới nhiều hình thức khác nhau như ký hợp đồng truyền thông, quảng cáo hay gỡ bài đã đăng?

- Tôi rất lo lắng, bởi cách làm này nó sẽ khiến sức mạnh của báo chí không còn cao nữa, sẽ gây mất niềm tin với công chúng. Nếu hiện tượng này lan rộng sẽ trở thành mối nguy hại cho xã hội, hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực sẽ bị hạn chế nhiều.

Trong Luật Báo chí 2016 cũng có quy định về nguồn thu của cơ quan báo chí từ các hoạt động quảng cáo, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung. Trên thực tế, đa số các anh, chị em phóng viên đi thu thập thông tin, viết bài không tham gia vào hoạt động liên quan đến hợp đồng quảng cáo. Đây là nhiệm vụ chuyên biệt của một bộ phận khác trong cơ quan báo chí.

Song do nguồn thu của một số cơ quan báo chí khá hạn chế, nên nhiều trường hợp lãnh đạo cũng tạo điều kiện, thậm chí giao chỉ tiêu cho phóng viên tham gia vào công việc mời ký hợp đồng quảng cáo, truyền thông. Để hạn chế tiêu cực, các cơ quan báo chí cần công khai, minh bạch trong mọi hoạt động tác nghiệp của phóng viên.

Theo ông, nếu tờ báo có một nền tảng tài chính ổn định, tình trạng tiêu cực trong báo chí sẽ giảm bớt?

- Tôi nghĩ vấn đề nằm ở lương tâm nghề nghiệp của người làm báo. Còn nhu cầu về kinh tế của con người là vô tận. Hôm nay họ thỏa mãn nhu cầu ở mức độ này, nhưng ngày mai có thể sẽ khác. Lý do vì hoàn cảnh khó khăn mà nảy sinh tiêu cực không hoàn toàn chính xác, nhiều phóng viên vướng vào tiêu cực trong thời gian vừa qua thực tế không phải là người khó khăn về kinh tế.

Luật Báo chí 2016 vừa được Quốc hội thông qua liệu có thể ngăn chặn một cách hiệu quả sự cám dỗ trong hoạt động báo chí?

- Luật Báo chí 2016 được kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII thông qua, gồm 6 Chương với 61 Điều (tăng 25 Điều), trong đó có 12 Điều xây dựng mới, 29 Điều sửa đổi, bổ sung. Luật Báo chí 2016 có những quy định rất rõ, nó “cởi trói” rất nhiều cho hoạt động báo chí. Song việc thực hiện đúng theo luật cũng không hề đơn giản. Quyền lợi của người làm báo sẽ rất nhiều, nhưng bên cạnh đó là trách nhiệm rất lớn, ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm không quá xa nhau.

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem