Không in mới tiền lẻ phục vụ lễ chùa

Thứ năm, ngày 26/12/2013 07:16 AM (GMT+7)
Chiều 25.12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, NHNN không đặt vấn đề in mới tiền mệnh giá dưới 2.000 đồng để phục vụ nhu cầu lễ hội, đi chùa.
Bình luận 0
Cụ thể, việc in mới tiền mệnh giá nhỏ dưới 2.000 đồng chỉ được thực hiện để thay thế tiền cũ, rách không đủ điều kiện lưu thông. Tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở lên vẫn tiến hành đưa ra lưu thông như mọi năm. Theo đại diện NHNN, hàng năm lượng tiền mệnh giá nhỏ, đặc biệt là mệnh giá dưới 2.000 đồng chỉ phục vụ việc đi lễ, đi chùa là rất lớn.

Theo ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN việc này gây ra lãng phí lớn vì tiền chỉ được đưa vào lưu thông ở các lễ hội, tín ngưỡng sau tết lại quay trở lại ngân hàng, rất khó đưa trở lại lưu thông. NHNN các địa phương đã phải “căng mình” để lưu trữ loại tiền này trong kho. Trên thực tế, theo nghiên cứu của NHNN nhiều đồng tiền mệnh giá nhỏ chỉ được quay vòng lưu thông đúng một lần ở các dịp lễ hội, chùa chiền rồi lại quay trở lại kho quỹ.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã đủ tiền lẻ phục vụ người dân dịp Tết này .
Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã đủ tiền lẻ phục vụ người dân dịp Tết này .

Theo ông Tú, chỉ tính riêng chi phí in ấn và đưa vào lưu thông các loại tiền mệnh giá dưới 2.000 đồng mỗi dịp Tết đã tốn khoảng 300 tỷ đồng, chưa kể các chi phí xã hội khác. Chính vì vậy, đặt vấn đề in mới loại tiền này để phục vụ một số người dân đi lễ là hết sức lãng phí. Theo quan điểm của NHNN chỉ đưa loại tiền mệnh giá nhỏ đã có sẵn còn đủ điều kiện lưu thông ra thị trường.

Bên cạnh đó, ở góc độ quản lý nhà nước, NHNN cũng chỉ ra việc tiền mệnh giá nhỏ chỉ được đưa vào phục vụ lễ hội là không sử dụng đúng chức năng của đồng tiền.

Bên cạnh đó, đại diện NHNN cũng cho biết đã gửi công văn đến Bộ Công Thương và Bộ Công an đề nghị phối hợp xử lý việc đổi tiền mệnh giá nhỏ ăn chênh lệch công khai tại một số điểm phục vụ tín ngưỡng. Ông Tú cho biết: “Bất cứ hoạt động kinh doanh nào cũng phải được phép theo quy định pháp luật. Việc đổi tiền mới ăn chênh lệch nếu vi phạm sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Công Thương, Bộ Công an. Ví dụ, có nơi sau khi người đi lễ cúng bái xong đã đốt cả tiền mệnh giá nhỏ cùng với tiền vàng mã, ngành công an có thể xử lý hành động phá hoại đồng tiền”.

"Kinh doanh tiền là Nhà nước độc quyền, đổi tiền lẻ nhằm mục đích có lời là vi phạm. Bộ VHTTDL cũng sẽ lấy việc sử dụng tiền lẻ ở các điểm di tích làm tiêu chí đánh giá năng lực của Ban quản lý di tích, thi đua của các sở VHTTDL”,
Ông Vũ Xuân Thành- Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Xuân Thành – Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết đơn vị này cũng đã gửi chỉ thị đến các sở, ban quản lý lễ hội, di tích về chủ trương hạn chế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ phục vụ công tác tín ngưỡng. Ông Thành khẳng định: “Năm nay sẽ không bố trí các điểm đổi tiền lẻ trong các khu di tích. Kinh doanh tiền là Nhà nước độc quyền, đổi tiền lẻ nhằm mục đích có lời là vi phạm. Bộ VHTTDL cũng sẽ lấy việc sử dụng tiền lẻ ở các điểm di tích làm tiêu chí đánh giá năng lực của Ban quản lý di tích, thi đua của các Sở VHTTDL”.

Trao đổi với NTNN, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình cho biết, rất đồng tình với quyết định này của NHNN mặc dù ngay trong năm đầu tiên thực hiện việc kiểm soát chặt dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới “ăn” chênh lệch có thể xảy ra tình trạng khan hiếm và nhu cầu của người dân sẽ dồn vào “chợ đen”. Tuy nhiên, “tôi cho rằng tệ nạn này dần dần sẽ giảm nếu NHNN có đủ phương tiện và quản lý chặt chẽ ngay từ đầu”- ông Hiếu cho biết.

Vinh Hải – Phương Hà (Vinh Hải – Phương Hà)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem