Không “khai tử” môn Lịch sử

Tùng Anh Thứ tư, ngày 11/11/2015 06:39 AM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển ngày 10.11, sau khi có dư luận về việc môn học Lịch sử sẽ bị loại bỏ khỏi chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bình luận 0

img

Các em học sinh tham dự chương trình Giờ học sử tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Ảnh:    BTLS

Theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến góp ý, môn Lịch sử sẽ được tích hợp cùng bộ môn Đạo đức – công dân và Quốc phòng thành bộ môn “Công dân với  Tổ quốc”. Dự kiến môn này sẽ là môn học tự chọn trong trường phổ thông. Trước dự thảo này, nhiều giáo viên, nhà nghiên cứu lịch sử lo ngại việc tích hợp và trở thành môn tự chọn sẽ làm môn Lịch sử dần dần... biến mất.

Cô Nguyễn Thị Doan – giáo viên dạy Lịch sử tại một trường THPT ở Ninh Giang (Hải Dương) cho rằng: “Bộ môn Sử rất quan  trọng đối với việc hình thành nhân cách, hoài bão với đất nước. Xưa nay Lịch sử đã là môn khó học, ít được học sinh yêu thích, nay lại trở thành môn tự chọn, học sinh sẽ càng thờ ơ, bỏ bẵng, giáo viên Lịch sử sẽ thất nghiệp”. GS sử học Phan Huy Lê cũng nhận định, việc tích hợp là không hợp lý vì thực tế 3 môn học trên thuộc các lĩnh vực khoa học hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa môn Lịch sử có kiến thức hệ thống trình tự thời gian, sự kiện nếu bị cắt, ghép sẽ mất tính hệ thống, liền mạch của sự kiện.

Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, trong kỳ thi THPT năm 2015 chỉ có hơn 152.000 học sinh đăng ký thi môn Lịch sử, chiếm 15,3% trong tổng số gần 1 triệu học sinh.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, môn Lịch sử chắc chắn vẫn là môn học bắt buộc từ cấp tiểu học đến THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cho dù được tích hợp. Trong chương trình THPT  cũng sẽ có hai hướng, học sinh có ý định học các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật sau THPT sẽ bắt buộc phải học Lịch sử trong môn Khoa học xã hội. Còn lại học sinh theo định hướng nghề nghiệp theo mảng xã hội sẽ có chương trình Lịch sử riêng chuyên sâu hơn.

Về yêu cầu tích hợp, ông Hiển cho biết, việc tích hợp với mục đích tinh giảm, lược bớt những nội dung trùng hợp, giảm gánh nặng kiến thức cho học sinh. “Mục tiêu của môn học Công dân với Tổ quốc trang bị cho học sinh kiến thức về quốc phòng, an ninh, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm và nghệ thuật quân sự nên có nhiều kiến thức liên quan đến cả 3 môn đạo đức – công dân, quốc phòng và lịch sử” – ông Hiển nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem