Không vì được ưu tiên mà sinh nhiều con

Kiều Thiện Thứ tư, ngày 04/11/2015 06:46 AM (GMT+7)
“Với dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, rất ít người thì Nhà nước vẫn châm chước về việc người dân sinh con thứ ba, nhưng bây giờ không mấy ai nghĩ tới việc sinh nhiều con làm niềm vui lớn nữa” - ông Lường Văn Hợp - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, bảo vậy.
Bình luận 0

Những hộ gia đình vừa tròn một... tiểu đội

Đến với bản Nà Lếch 2, xã Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, chúng tôi được nghe anh Lường Văn Tía - dân bản kể về cuộc sống của những gia đình đông con trước đây. Anh bảo: Tôi là giáo viên nên biết có nhiều gia đình học sinh có tới 9-10 người con. Đã đông con thì khó mà kể hết cái khổ. Nhiều lúc nhìn học sinh đến lớp thiếu ăn, thiếu mặc mà thầy không cầm được nước mắt, nhất là trong những ngày đông giá lạnh.

img

Nhiều hộ dân tộc Khơ Mú ở bản Nông Cốc, xã Long Hẹ chỉ đẻ từ 1-2 con để có điều kiện làm kinh tế và nuôi con cháu ăn học. Ảnh: K.T

Nói về những cái khó khăn do nguyên nhân của việc sinh đẻ nhiều con, anh Tía bảo: Cũng phải thông cảm với người dân vì nhận thức ngày ấy còn nhiều hạn chế trong khi công tác tuyên truyền, vận động chưa được đầy đủ, sâu rộng. Chính gia đình tôi ngày ấy cũng có tới 9 anh chị em; thêm ông bà và bố mẹ là 13 người sống trong một nhà. Chật hẹp, đói ăn, lam lũ đã đành nhưng cái khổ lâu dài nhất là thất học. Hầu như không mấy ai được ăn học đầy đủ. Ngay bản thân tôi nếu không có chế độ Nhà nước cho đi học ở trường dân tộc nội trú thì chắc bây giờ chẳng thành giáo viên.

Chị Lường Thị Ương (54 tuổi) - chị gái anh Tía, góp chuyện: Nhà đông con khổ lắm. Tôi cũng đi học như cậu ấy nhưng chả ai quan tâm, động viên nên lúc bỏ học cũng chả ai can ngăn, chỉ dẫn gì. Lúc mới bỏ học thì cũng thấy sướng vì không phải làm bài, không bị gò bó. Nhưng sau này lớn lên, nhất là khi tôi làm cán bộ phụ nữ ở bản thì mới thấy cái chữ quan trọng thật, nhưng cũng chỉ có thời gian để học thêm lớp xóa mù thôi. Ngày ấy thì nhà ai đông con, có nhiều ruộng, nhiều nương, bắt được nhiều con cá, hái được nhiều rau rừng là tự hào chứ chả ai nghĩ tới ngày mai. Vì thế, chuyện đẻ nhiều con là mừng lắm, còn cái khổ thì chỉ nghĩ là... trời bắt vậy thôi. 

Ưu tiên cũng... không muốn nữa

Chúng tôi đã có dịp đến với bà con các dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái… trên vùng cao Long Hẹ (huyện Thuận Châu) – địa bàn có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống và đang được hưởng chính sách ưu tiên là được sinh con thứ ba. Nhưng vào nhiều gia đình trẻ, vẫn thấy chỉ có 1-2 đứa con chứ không “đông đàn, dài lũ” như trước đây. Ông  Lường Văn Hợp - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ, bảo: Nhờ được học tập nhiều, đi tham quan nhiều nơi nên chúng tôi hiểu rằng: Sinh nhiều con là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc sống khó khăn. Tuy Long Hẹ xa xôi với thị trấn, thị tứ; giao thông chưa thuận tiện nhưng hệ thống trạm y tế đã có, nhân viên y tế hoạt động tận bản; lại có những chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình hàng năm triển khai tại xã và các cụm xã nên hiểu biết của bà con đã được nâng lên.

“Ngày trước, chị em phụ nữ chúng tôi khi chửa, đẻ, có người thai chết lưu trong bụng mà không biết vì có ai khám thai bao giờ đâu. Nhưng bây giờ, ai mang thai cũng được tư vấn, hỗ trợ, khám đến vài ba lần, lại được gia đình quan tâm chăm sóc từ chế độ ăn uống đến việc làm. Vì ai cũng hiểu rằng: Sinh ra một con người là trách nhiệm lớn lắm nên phải tính toán và chăm lo nhiều hơn. Những hộ nghèo thì có ưu tiên cũng không muốn đẻ nhiều con nữa đâu” – chị Lường Thị Hon, dân bản Cha Mạy B, xã Long Hẹ,  bảo vậy. 

Chỉ vào đứa trẻ khoảng 4 tuổi đang ngồi xếp đồ chơi bằng nhựa bên chái nhà, chị Ương bảo: “Cháu ngoại tôi đấy. Vợ chồng nó mới đẻ được 1 đứa con, cháu sắp đi học rồi mà bảo chúng nó đẻ nữa cũng chả nghe lời. Chúng nó cứ bảo: Có cho tiền cũng không đẻ nữa, lo làm giàu thôi. Khi nào giàu thì đẻ thêm con”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem