Kìa xa xa nơi Côn Đảo...

Thứ sáu, ngày 26/08/2011 14:26 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những nấm mồ cha ông trùng điệp hơn một trăm năm nay ở Hàng Dương, và không chỉ Hàng Dương mà còn rải rác đâu đây trên Côn Đảo, không còn là biểu tượng của cái chết mà chính là sự Sống.
Bình luận 0

Nhớ lại những ngày này năm 1945, sau ngày tựu trường chưa bao lâu, một số học sinh lớp sơ học yếu lược chúng tôi được một thầy giáo trẻ (sau này trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) thỉnh thoảng cho nghỉ học để kéo vào một ngôi chùa vắng viết truyền đơn chào mừng Cách mạng tháng Tám.

Đã có tụ tập là có hát hò. Và một bài hát từ Hà Nội tiền khởi nghĩa đến với chúng tôi, bài “Côn Đảo”: Kìa xa xa nơi Côn Đảo ơ hờ/ sóng nước muôn trùng/ Ơi đàn cò trắng bay xa, qua ngang trời về phương Đông/ hỡi chim cho ta nhắn cùng… Sau này tôi mới biết người viết bài hát mà chúng tôi luôn nghêu ngao hồi ấy là nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Chiều 23.8, vừa bay từ Cần Thơ ra Côn Đảo, chúng tôi đã đến nghĩa trang Hàng Dương thăm mộ người thân, một liệt sĩ thời chống Mỹ. Những nấm mộ bọc đá đẽo màu xanh đen lấy từ núi Côn Đảo xếp hàng trong nắng chiều đã nhạt. Buồn, một nỗi buồn khó giải thích, không phải chỉ từ nơi có hàng ngàn ngôi mộ những người đã chết tức tưởi do đòn thù, tra tấn hay lam sơn chướng khí, bệnh tật.

Và chắc cũng không ít người chết trong tuyệt vọng trước con đường ngàn dặm trở về cố hương. Đó là nỗi buồn của một người Việt hôm nay khi đứng trên “chiến hạm không bao giờ chìm” của lãnh thổ, lãnh hải Tổ quốc nhìn ra Biển Đông với những suy nghĩ không dễ nên lời.

Đường lưỡi bò ngạo ngược và phi lý của Trung Quốc được vẽ một cách mập mờ cách Côn Đảo không xa. Nếu chúng ta hèn yếu, cái lưỡi bò ấy chắc sẽ lấn mãi vào bờ - tận nơi tôi đang đứng chiêm ngưỡng một trăm năm vùng lên từ tù ngục đầy khí phách của cha ông.

Nỗi buồn ấy không làm lòng tôi nguội lạnh mà ngược lại, như thắp lên ngọn lửa. Cái chết luôn là mầm của sự sống. Những nấm mồ cha ông trùng điệp hơn một trăm năm nay ở Hàng Dương, và không chỉ Hàng Dương mà còn rải rác đâu đây trên Côn Đảo, không còn là biểu tượng của cái chết mà chính là sự Sống.

Nếu cả dân tộc chấp nhận hy sinh vì cuộc trường tồn thì không có kẻ nào, dù mạnh đến đâu, có thể bắt nạt, có thể đánh bại. Sự kiên nhẫn và kiên cường trong cuộc đời của những người nằm lại nơi tôi đang đứng hôm nay là bài học, là bằng chứng cho ý nghĩ ấy. Họ - với linh hồn bất tử, vẫn đang ở bên bờ Biển Đông, vẫn đang canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa cùng với con cháu, với chúng ta hôm nay. Và họ vẫn sống!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem