Kỳ bí ướp xác

Thứ sáu, ngày 24/08/2012 07:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những xác ướp đơn lẻ có độ tuổi từ vài ngàn đến vài chục ngàn năm tuổi hay cả một tu viện chứa gần trăm ngàn xác ướp đang là những thách thức lớn cho người đương thời.
Bình luận 0

Ước muốn trường tồn với thời gian

Thời gian qua, rất nhiều xác ướp bí ẩn đã được tìm thấy từ các địa điểm khác nhau trên thế giới. Xác ướp một phụ nữ đóng băng tại Peru; xác ướp một bé gái tại Inca bị hiến tế cho thần núi lửa; xác ướp người tóc đỏ trong đầm lầy Bắc Âu; xác ướp nữ hoàng ở Hy Lạp; xác ướp của phụ nữ có niên đại đầu Triều đại Joseon, Hàn Quốc; Xác ướp ở rừng Amazon; xác ướp của nhiều vị vua Ai Cập; xác ướp được tìm thấy tại Anh, Úc, Trung Quốc…

img
Một xác ướp kiểu Ai Cập được trưng bày tại bảo tàng Louvre, Paris, Pháp

Và tại Việt Nam, dù xuất hiện trễ, nhưng hiện cũng có những xác ướp mang lại nhiều thách thức cho các nhà khảo cổ. Miền Bắc thì có xác ướp người đàn ông thời Hậu Lê ở Nam Định, xác ướp một quận công thời Hậu Lê tại Hưng Yên, xác ướp người đàn ông ở vườn đào Nhật Tân.

Tại TP.HCM thì có xác ướp mộ song táng của hai ông bà tại đường Nguyễn Tri Phương, xác ướp khai quật trong viện Pasteur, xác ướp của nữ quý tộc Trần Thị Hiệu, thời nhà Nguyễn cách đây hơn 100 năm; hay xác ướp trên 200 năm của một phụ nữ gắn bó mật thiết với triều Nguyễn vừa được khai quật tại Đồng Nai. Tuy nhiên, tất cả chỉ là vài hạt cát nhỏ giữa sa mạc các xác ướp huyền thoại trên thế giới.

Trong nhiều nền văn hóa, việc ướp xác người qua đời là vì mong muốn họ sẽ tồn tại mãi với người thân còn sống. Cũng có người muốn ướp xác vì muốn chiến thắng cái chết; vì tin tưởng vào một cuộc sống sau cái chết. Thế giới nhìn nhận Ai Cập là cái nôi của thuật ướp xác, ra đời từ năm 2.700 trước công nguyên.

Quan niệm của người Ai Cập cổ về sự vĩnh hằng ở thế giới của các thần linh sau khi chết khiến cho việc ướp xác trở thành một đức tin cho sự trường tồn của Vương quốc Ai Cập. Người Ai Cập cổ ướp xác với niềm tin những xác ướp sẽ sống lại sau 3.000 năm. Họ tin thân thể là nơi trú ngụ của linh hồn và là phần chủ chốt của con người trong kiếp sau và ướp xác là sự chuẩn bị cho việc trình diện trước thượng đế.

“Con người thường đặt câu hỏi mình sinh ra từ đâu và tại sao lại chết đi. Thông thường, các vị đế vương rất sợ chết. Có rất nhiều áng sử viết, Tần Thủy Hoàng sai nhiều người tìm phương pháp trường sinh bất lão nhưng thất bại, ông hoảng loạn và cho xây lăng mộ để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi chết. Và ông đã chuẩn bị cho mình cả một vương quốc sau cái chết”, PGS.TS Phạm Đức Mạnh, giảng viên khoa Lịch sử ĐH KHXH&NV TP.HCM, nói.

Kỹ thuật ướp xác của một số nền văn minh

Xác ướp là bằng chứng cho trình độ phát triển y học của thời trước. Dù ngày nay, khoa học đã rất phát triển nhưng con người vẫn gặp khó khăn khi lý giải bí ẩn xung quanh các xác ướp cổ. Với người Ai Cập, ướp xác là công việc linh thiêng, bí mật. Những người ướp xác có trách nhiệm bảo quản xác người chết, dựa trên sự hiểu biết của họ về giải phẫu người và biết thực hiện các nghi lễ mỗi giai đoạn trong quá trình ướp.

Để ướp một thi thể người qua đời, bước đầu các cơ quan nội tạng được bỏ ra thông qua vết rạch nhỏ ở đáy bụng, lấy não qua đường mũi, và rút nước ra khỏi cơ thể. Sau đó xác ướp được tẩm bằng rượu cọ. Phần còn lại của xác được phủ đầy natron (Na2CO3), và đặt ở chỗ nóng. Cuối cùng là nhồi cỏ khô, thơm vào phần rỗng của nội tạng.

Xác khô đi, nhưng vẫn giữ được hình hài. Sau đó, xác được bọc bằng nhiều tấm vải len. Một số tấm có gắn bùa chú. Sau nhiều công đoạn, xác được phủ nhựa thông nóng, rồi lại bọc tiếp lớp nhựa để đảm bảo các lớp len sẽ nằm yên vị. Lớp nhựa này được pha trộn thêm hương liệu, mang mùi thơm. Não và cơ quan nội tạng được đặt trong 4 chiếc bình và đi theo cùng xác ướp.

Một kỹ thuật ướp xác khác khá độc đáo khác là dùng bếp củi hun xác các vị tù trưởng của dân tộc Dani tại Indonesia. Người Dani tin tù trưởng của họ là bất tử, sẽ tồn tại mãi mãi, cùng với sự tồn tại của bộ lạc, để che chở cho bộ lạc.

Việc hun xác diễn ra trong ngôi nhà của tù trưởng mới, người kế vị sẽ khoét hông để moi hết nội tạng của tù trưởng ra, đặt tù trưởng ở tư thế ngồi bó gối, dùng dây cố định rồi đưa tù trưởng lên gác bếp, cao hơn bếp từ 1 - 1,5m. Lửa được nhóm phía dưới. Lửa cháy ngày đêm, tỏa hơi nóng và khói lên xác tù trưởng. Nước bốc hơi còn mỡ chảy ra khỏi cơ thể qua lỗ khoét ở hông, chỗ nào đọng mỡ thì dùng kim nhọn chọc thủng để mỡ chảy ra. Quá trình hun xác kéo dài từ 1-3 tháng. Khi đó, xác tù trưởng đã quắt lại như một cục gỗ sơn đen bóng, được đặt ở nơi trang trọng trong nhà.

Nhiều dân tộc trên thế giới có đủ chứng cứ để tự hào về kỹ thuật ướp xác người qua đời của họ đạt đến độ thượng thừa, thách thức tất cả những hiểu biết của tri thức nhân loại. Việt Nam, một đất nước tại Đông Nam Á, với kỹ thuật ướp xác sinh sau đẻ muộn nhưng cũng là một bài toán hóc búa đối với nền y học hiện đại. Những xác ướp không hề được dùng các kỹ thuật ướp xác huyền bí như trên thế giới, nhưng nội tạng người chết không hề phân hủy sau nhiều năm.

Theo Thế Giới & Hội Nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem