Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Hỗ trợ học sinh vùng khó đi thi

Nguyễn Nga Thứ năm, ngày 09/04/2015 08:11 AM (GMT+7)
Do địa hình đồi núi hiểm trở, học sinh miền núi khi tham dự kỳ thi THPT 2015 sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong việc đi lại, ở trọ. Thời điểm này, nhiều trường vùng cao đã lên phương án hỗ trợ đi lại, tìm nhà trọ, cấp học bổng trong thời gian ôn thi… để không học sinh nào vì khó khăn phải bỏ thi. 
Bình luận 0

Gánh nặng... đi thi

Em Hà Thị Dung, học sinh lớp 12A Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy mẫu ruộng của bố mẹ. Chính vì vậy, để tiếp tục có tiền trọ học tiếp cấp 3 cách nhà 13km, Dung phải làm thêm trong quán cơm sau giờ học. Dung cho biết em gặp nhiều khó khăn hơn vì năm nay phải thi kỳ thi THPT quốc gia ở địa điểm cách nhà tới 200km. “Mẹ em hiện đang bệnh, bố muốn em tốt nghiệp xong cấp 3 thì đi làm phụ gia đình nhưng em lại mong muốn được vào ĐH. Năm nay thi dưới TP.Thanh Hóa, em sẽ phải tốn nhiều tiền cho việc đi lại và ăn ở. Em cũng không quen biết ai để liên hệ phòng trọ” - Dung cho biết.

img
Học sinh Trường THPT Mường Lát (Mường Lát, Thanh Hóa) đang tích cực ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia 2015. Nguyễn Nga
Tương tự, em Lò Thị Linh, cũng học Trường THPT Mường Lát cho biết, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ thì cả đời chẳng ra khỏi huyện nên trong kỳ thi tới Linh dự định sẽ đi cùng các bạn để giảm chi phí. “Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ đi xa, nên em rất lo lắng, không biết sẽ tìm phòng trọ thế nào? Trước kia thi tốt nghiệp, các anh chị chỉ phải thi ở trường thì năm nay em phải xuống TP.Thanh Hóa. Từ nhà em xuống thành phố cũng mất hơn 5 tiếng, không rõ điều kiện ăn ở thế nào” – Linh nói.

 

Em Nguyễn Thị Châu, học sinh lớp 12C4 Trường THPT Điện Biên tham dự kỳ thi quốc gia THPT lấy điểm xét vào Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Năm nay, Châu sẽ phải cùng các bạn xuống Sơn La dự thi. Châu cho biết, từ nhà muốn bắt xe xuống Sơn La, phải đi bộ hơn 10km để ra đường lớn. “Nhà trường nói sẽ tổ chức đi xe theo đoàn đến các cụm thi đối với những em học sinh không có người nhà đi cùng. Tuy vậy chúng em vẫn phải đóng góp chi phí đi lại và ăn ở. Nhà trường chỉ tham gia công tác quản lý” – Châu cho biết.

Nỗ lực vì học sinh

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có hình thức tổ chức cụm thi liên tỉnh nên những băn khoăn nói trên là nỗi niềm của nhiều thí sinh vùng khó. Chỉ là cụm thi liên tỉnh nhưng các học sinh này cũng phải đi 200-300km mới tới điểm thi. Chẳng hạn như học sinh tỉnh Lai Châu sẽ phải di chuyển sang tỉnh Phú Thọ để tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Các điểm thi này do các trường ĐH vùng tổ chức năm đầu tiên nên chưa thể chuẩn bị tốt các điều kiện về đi lại, ở trọ.

Trước những khó khăn của các em học sinh cũng như nắm được tâm lý chung, các trường THPT vùng cao đã chuẩn bị những phương án hỗ trợ cho học sinh tham dự kỳ thi. Chẳng hạn với học sinh tỉnh Lai Châu, ông Đỗ Văn Hán – Giám đốc Sở GDĐT Lai Châu cho biết, Sở đã yêu cầu các trường THPT họp bàn với Hội phụ huynh trường tìm cách tổ chức đưa học sinh đi thi tại tỉnh Phú Thọ, tăng cường xã hội hóa. Ngoài ra, tỉnh cũng bàn phương án hỗ trợ học bổng cho các em trong thời gian ôn thi.

Ông Lê Văn Tùng - Thư ký hội đồng Trường THPT Mường Lát (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) thì cho biết: “Nhà trường sẽ trích một phần ngân sách và kết hợp với hội phụ huynh học sinh để hỗ trợ việc đi lại cho học sinh xuống thành phố. Khi di chuyển đến các điểm thi các em sẽ phải tự túc. Đồng thời nhà trường cũng sẽ cử giáo viên đi cùng để ổn định tâm lý cho học sinh tại các cụm thi. Do còn chưa xác định được chính xác về các điểm thi nên nhà trường cũng chưa lên được kế hoạch cụ thể về việc liên hệ nơi ở trọ cho các em học sinh”.

Năm học này, Trường THPT số 2 Si Ma Cai (Lào Cai) có 205 học sinh tham dự kỳ thi THPT, trong đó có 60 em đăng ký thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Ông Cao Xuân Lâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sở đang trình tỉnh về việc hỗ trợ đi lại cho các em thi ở các cụm thi liên tỉnh, việc hỗ trợ bao nhiêu là do ở trên phê duyệt. Hiện tại nhà trường vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo từ trên, sau đó mới xây dựng kế hoạch cụ thể”.

Tương tự, ông Vũ Quốc Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Mậu Duệ (huyện Yên Minh, Hà Giang) cho biết, trường này cũng đã họp và trình công văn với huyện. Chắc chắn sẽ có sự hỗ trợ đối với các em học sinh, tuy nhiên vẫn phải chờ chốt danh sách cụ thể mới biết được mức hỗ trợ như thế nào.

 Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác vận động các tổ chức, cá nhân, hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh là con em dân tộc thiểu số, các gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa có điều kiện tham dự kỳ thi, không để học sinh nào phải bỏ thi vì quá khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem