Lá thư ngỏ thứ ba phản ứng Giải thưởng Hội Nhà văn 2012

Chủ nhật, ngày 20/01/2013 10:28 AM (GMT+7)
Dân Việt - "Tôi đề nghị phế truất giải thưởng của tập thơ Giờ thứ 25 này. Lý do, chúng ta không thể đạo văn vô văn hóa trắng trợn như vậy được", thư ngỏ của nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức viết.
Bình luận 0

Sau khi nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam gửi thư ngỏ từ chối giải, lại xuất hiện lá thư ngỏ của nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức lên tiếng về giải thưởng thơ trao cho tập “Giờ thứ 25” của nhà thơ Phạm Đương.

img
Tập “Giờ thứ 25” của nhà thơ Phạm Đương

Trong lá thư, ông Nguyễn Hoàng Đức cho biết: “Tôi chính thức muốn nói cùng các vị: “Giờ thứ hai mươi lăm” của nhà văn Roumanie Constantin Virgil Gheghiu, có trước cách đây nhiều thập kỷ. Tên sách là một thương hiệu tổng quát không thể bị đánh cắp một cách “trọn gói” như vậy.

Thời buổi này, người ta cấp bằng sở hữu tên gọi, ngay cả hai cửa hàng cũng không có quyền mang tên giống nhau, nói gì hai tác phẩm?!Việc Hội Nhà văn trao giải cho tên gọi tập thơ này đủ thấy trình độ của các vị rất ấu trĩ, không chịu đọc sách gì cả, giống như sự ấu trĩ mới đây các vị đã giành cho Hoàng Quang Thuận với tập thơ thiền bịp thần bịp thánh.

Tôi đề nghị phế truất giải thưởng của tập thơ này. Lý do, chúng ta không thể đạo văn vô văn hóa trắng trợn như vậy được. Nhà văn, nhà thơ phải là người có văn hóa và liêm sỉ”.

Trước đó, giải thưởng Hội Nhà văn 2012 đã khiến công chúng xôn xao khi có hai tác giả gửi thư ngỏ từ chối giải. Đó là nhà văn Y Ban và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam.

Nhà văn Y Ban - tác giả của “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam - tác giả của “Thế kỷ bị mất” đều đồng loạt từ chối bằng khen của Hội đồng giám khảo giải thưởng năm 2012 cho tác phẩm của mình.

img
Tác phẩm “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” của nhà văn Y Ban.

Nhà văn Y Ban cho biết trong lá thư ngỏ: “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” được 4 phiếu giải thưởng, 3 phiếu bằng khen và 2 phiếu trắng. Đây chính là mấu chốt của vấn để. "Nếu tôi sáng suốt, nếu tôi không đi trên con đường dại thì ngay từ đầu tôi phải từ chối ban giám khảo này. Họ không đủ Tâm, đủ Tầm để bỏ phiếu cho tác phẩm. Họ chỉ đủ Tâm, đủ Tầm để bỏ phiếu cho tên tác giả. Hai phiếu trắng ở đây nói lên điều gì? Làm giám khảo mà không dám đối mặt với chỉ một cái tên trên một tờ giấy?".

Còn nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam thì chỉ giải thích ngắn gọn lý do từ chối giải như sau: “Tôi xin giành quyền được từ chối bằng khen này của Hội nhà văn. Lý do đơn giản, mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là Văn Học”.

Thông qua lá thư ngỏ khá dài của nhà văn Y Ban có thể thấy khá nhiều chuyện “hậu trường” của công tác xét giải thưởng nhiều năm nay có Hội Nhà văn Việt Nam. Chẳng hạn có nhà văn trong hội đồng giám khảo từ chối bỏ phiếu với lý do chưa đọc tác phẩm, khi được yêu cầu bắt buộc phải bỏ, ông đã bỏ phiếu cho tác phẩm duy nhất mà mình đã đọc là “Thành phố đi vắng”.

Thêm vào đó, với tư cách là Ủy viên Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Y Ban đã tiết lộ rất nhiều thông tin “động trời” về cung cách làm việc của vị Chủ tịch Hội, đó là mùa giải trước, ông đã “chỉ đạo” bỏ phiếu đến khi nào đạt theo ý mình mới thôi.

img
Tác phẩm “Thế kỷ bị mất” của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam.

Có thể nói, xung quanh các giải thưởng bao giờ cũng có chuyện, người không đoạt giải thường có những phản ứng với Ban giám khảo về việc tại sao không chọn tác phẩm của mình, đó cũng là lẽ thường tình. Tuy nhiên, việc cùng lúc có nhiều lá “thư ngỏ” liên quan đến chuyện nghi ngờ “tâm và tầm” của các thành viên Ban giám khảo của giải thưởng Hội Nhà văn 2012, đồng thời tiết lộ khá nhiều chuyện “hậu trường” về cung cách làm việc người giữ vị trí cao nhất Hội Nhà văn khiến cho công luận đang rất cần một sự lên tiếng chính thức từ người đại diện tổ chức này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem