Lái xe uống rượu bia: Ranh giới mong manh người tốt - kẻ sát nhân

Thế Anh (thực hiện) Thứ hai, ngày 06/05/2019 06:00 AM (GMT+7)
Thời gian qua, liên tiếp các vụ tai nạn giao thông xảy ra, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc tài xế sử dụng rượu bia, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khiến dư luận không khỏi lo lắng, bất an. Trao đổi với Dân Việt, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã phải thốt lên: “Lái xe sau khi uống rượu bia, người tốt bỗng thành kẻ giết người”.
Bình luận 0

img

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia. (Ảnh: I.T)

Ranh giới mong manh

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng gây chết người do tài xế sử dụng rượu bia. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

- TNGT là một vấn đề gây nhức nhối trong dư luận và làm đau đầu cơ quan quản lý nhà nước. Nếu tai nạn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như thời tiết, địa hình, yếu tố kỹ thuật hay kỹ năng lái xe... thì chúng ta không thể nói trước được điều gì. Tuy nhiên, điều tôi luôn cảm thấy đáng tiếc và đau buồn nhất khi nhận thông tin tai nạn giao thông do tài xế đã uống rượu bia gây ra.

Những người được cấp giấy phép lái xe hoàn toàn có đủ kiến thức, kinh nghiệm về việc “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Đáng tiếc là, dù biết rất rõ tác hại của việc lái xe khi uống rượu bia, nhưng nhiều người vẫn cố tình làm điều sai trái đó.

Tôi biết trên thực tế, có nhiều người trước khi tai nạn giao thông dẫn tới chết người, đều là những công dân tốt, là cán bộ tốt, là người chồng, người cha, người con tốt. Nhưng chỉ vì quyết định sai lầm lái xe sau khi đã sử dụng đồ uống có cồn, họ đã gây ra thảm họa đau lòng không chỉ cho mình, gia đình mình mà cả những người khác.

Có phải đây là lý do mà ông đúc kết lại bằng câu nói: “Uống rượu bia đã làm một người lái xe tốt trở thành kẻ giết người”?

- Vâng đúng vậy. Dù đây chỉ là một câu nói ngắn gọn, nhưng nó đã khiến tôi phải suy nghĩ rất lâu và tôi đã từng viết quan điểm này của mình trên trang facebook cá nhân với mong muốn duy nhất: Mọi người có ý thức hơn nữa trong việc sử dụng rượu bia và lái xe.

Mới đây, vụ TNGT thương tâm xảy ra ngày 1.5 ở hầm Kim Liên (TP.Hà Nội) khiến 2 người tử vong cũng có nguyên nhân tài xế lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Tôi biết anh ta là người tốt, nhưng anh ấy đã vô tình trở thành người gây ra cái chết cho 2 người vô tội, gây ra đau thương cho ba gia đình và còn hơn thế, chỉ vì không ý thức được một điều giản đơn: Không lái xe khi đã uống rượu, bia.

Chúng ta thấy luôn tồn tại một ranh giới vô cùng mong manh giữa 2 trạng thái đạo đức trong một con người: Một bên là người chồng, người cha, công dân tốt, một bên là “kẻ sát nhân” (dù có thể chỉ là vô tình). Cái lằn ranh mong manh đó chính là ý thức về việc sử dụng bia rượu. Và rất tiếc, không phải ai cũng đủ bản lĩnh và sự tỉnh táo để không vượt qua lằn ranh mong manh đó.

Vừa qua, từ những vụ TNGT nghiêm trọng bắt nguồn từ việc sử dụng rượu bia khi lái xe, Ủy ban ATGT Quốc gia đã kêu gọi mọi người thay đổi hình ảnh đại diện trên trang facebook cá nhân với khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Đây là một kế hoạch trong 5 năm, nhằm tăng cường giải pháp phòng chống và xử lý vi phạm về nồng độ cồn, và chúng tôi thực hiện liên tục.

Cùng với hoạt động này, chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy việc xây dựng pháp luật, đề xuất thay đổi chế tài xử phạt với người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện, kể cả trường hợp chưa gây tai nạn. Chúng tôi đang chuẩn bị một chương trình cùng với CSGT và các diễn đàn trên các mạng xã hội tổ chức dán logo “Đã uống rượu bia thì không lái xe” trên vô lăng của tất cả những xe ôtô cá nhân.

Chúng tôi cũng đang vận động doanh nghiệp và nhà hảo tâm tài trợ cho việc này. Hiện có 1,8 triệu ôtô dưới 9 chỗ, chúng tôi hy vọng sẽ có đủ logo phát cho các tài xế thông qua hoạt động đăng kiểm, tuần tra kiểm soát hay các hoạt động cộng đồng khác…

Tôi mong rằng, không chỉ các lái xe khi ngồi trước vô lăng mà cả người thân bên cạnh, nhìn vào logo này và luôn nhắc nhở mình, dừng ngay việc lái xe khi đã uống rượu bia.

img

Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở hầm Kim Liên (TP.Hà Nội) khiến 2 người vô tội tử vong. (Ảnh:  I.T)

Mỗi lần bị xử phạt sẽ là bài học đáng giá

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Phó trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật (Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an) người say lái xe thường không kiểm soát được hành vi, nhận thức của mình. Lực lượng cảnh sát phải ứng xử khôn khéo, cương quyết, linh hoạt để tránh tình trạng tài xế có nồng độ cồn chống lại người thực thi công vụ.

Có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần phải xử lý nghiêm, thậm chí là xử lý hình sự đối với những tài xế sử dụng rượu bia. Quan điểm của Ủy ban ATGT Quốc gia thế nào, thưa ông?

- Trước hết, chúng ta phải ủng hộ các lực lượng chức năng thực thi các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để mọi người tự giác ý thức “không uống rượu bia khi lái xe” cần phải có một quá trình. Tôi luôn kiến nghị lực lượng chức năng xử phạt nghiêm theo những chế tài đã có. Và không có một trường hợp ngoại lệ nào cả.

Đồng thời, phải thực hiện 2 việc, một bên là xử phạt nghiêm, bên kia là tuyên truyền nâng cao ý thức để người dân tự giác thực hiện. Khi đó, người dân sẽ ủng hộ, cổ vũ, bảo vệ các lực lượng thi hành pháp luật, có như thế lực lượng thi hành pháp luật mới đủ sức mạnh và niềm tin để thực thi pháp luật.

Chúng ta luôn yêu cầu các lực lượng chức năng thực thi công vụ phải làm nghiêm, nhưng chúng ta cũng phải bảo vệ lực lượng, cơ quan thực thi pháp luật, vì người thực thi pháp luật chính là người giữ an toàn, an ninh cho tất cả mọi người.

Tôi nhớ rất rõ thông điệp Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói dịp Tết vừa qua: Đó là hãy coi việc cảnh sát dừng xe, xử phạt là món quà mừng năm mới có ý nghĩa, vì mỗi lần bạn được CSGT dừng xe xử phạt, đó sẽ là bài học không bao giờ quên.

Xử phạt đúng, nghiêm thì người bị xử phạt sẽ không bao giờ tái phạm, giảm thiểu được TNGT, giữ được tính mạng cho bản thân và bảo vệ an toàn của những người khác. Chế tài xử phạt hình sự hiện nay mới chỉ dừng lại với người gây ra tai nạn làm người bị nạn thương tích nặng hoặc tử vong.

Ở một số nước, vi phạm nồng độ cồn ở mức cao có thể bị xử lý hình sự ngay, chưa cần gây hậu quả. Vi phạm nồng độ cồn cũng có thể bị tước giấy phép vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích. Chúng ta hoàn toàn có thể sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính để bổ sung các chế tài này.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem