Lãng phí đào tạo hệ cử tuyển

Thứ hai, ngày 15/08/2011 14:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Được tiếng là đi học miễn phí, đi học có lương nhưng cái giá mà họ phải trả là tấm bằng tốt nghiệp không biết dùng để làm gì. Đó là thực trạng của rất nhiều sinh viên hệ cử tuyển, đào tạo theo nhu cầu của các địa phương.
Bình luận 0

Vào một đằng, ra một nẻo

Hơn 40 sinh viên lớp K7 – khoa Kế toán Trường Cao đẳng Kỹ thuật Thái Bình đã hết sức ngỡ ngàng khi nhận được tấm giấy chứng nhận tốt nghiệp có ghi: “Tốt nghiệp khoa Kế toán, chuyên ngành: Kế toán Ngân sách xã” trong khi những sinh viên này đều đăng ký học chuyên ngành Kế toán Tổng hợp hoặc Quản trị doanh nghiệp…

img
Cán bộ xã cũng cần được đào tạo đúng nhu cầu.

Đây là số sinh viên được đi học theo Đề án 26 của tỉnh Thái Bình nhằm đào tạo đội ngũ kế toán cho các cơ quan hành chính, sự nghiệp của tỉnh. Khi đăng ký ngành học, hầu hết sinh viên chọn ngành Kế toán tổng hợp, chỉ có 7 người có nguyện vọng học Quản trị doanh nghiệp, nhưng được “vận động” đã đồng ý chuyển sang học lớp Kế toán tổng hợp do không đủ sĩ số xếp lớp. Nhưng chỉ đến cuối năm thứ 3 lớp này mới được một số giáo viên bộ môn cho biết chương trình đào tạo đang học là của chuyên ngành Kế toán Ngân sách xã.

Anh Trần Tuấn Nghĩa cho biết: “Lớp đã có ý kiến lên khoa nhiều lần nhưng đều được cô Hoàng Thị Hồng – Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Cứ yên tâm, bằng ra trường sẽ ghi Kế toán tổng hợp. Cho đến khi nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp thì … “gạo đã nấu thành cơm”.

Được biết, sinh viên của lớp này ra trường hiện mới có 5 người được nhận về làm việc đúng chuyên ngành tại các xã, số còn lại xã không bố trí được việc làm mà cũng không thể xin việc tại các doanh nghiệp ở địa phương với tấm bằng “Kế toán Ngân sách xã”. Bản thân anh Nghĩa được địa phương bố trí làm… Phó Công an xã nhưng sau một thời gian thấy không phù hợp anh đành bỏ việc lên Hà Nội kiếm công việc khác.

Cử tuyển càng… bơ vơ

Từ năm 2000 – 2010 tỉnh Thanh Hoá đã có 1.917 học sinh thuộc 11 huyện miền núi được đi học theo diện cử tuyển cho 21 ngành, chuyên ngành. Tuy nhiên, trong số 1.259 sinh viên đã tốt nghiệp mới chỉ có 534 (42,41%) người được bố trí công tác tại địa phương, số còn lại không biết đi đâu về đâu. Tại Thừa Thiên – Huế, từ năm 2007 – 2010 có 114 sinh viên cử tuyển, trong đó 37 người đã tốt nghiệp nhưng mới chỉ có 3 người được bố trí việc.

Ngày 12.8, Bộ GDĐT có công văn hướng dẫn các trường ĐH,CĐ và UBND các tỉnh về thực hiện đào tạo theo địa chỉ. Theo đó, hình thức đào tạo này chỉ được áp dụng ở vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn và vùng dân tộc thiểu số. UBND các tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm trong việc phối hợp với các trường trong quá trình tuyển sinh, quản lý người học và phải phân công công tác cho người học sau khi tốt nghiệp.

Theo phân tích của PGS - TS Lê Thanh Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội: Việc sinh viên hệ cử tuyển ra trường không có việc làm là do địa phương gửi đi đào tạo chưa theo thực tế nhu cầu của từng vùng, gây lãng phí vô cùng.

Còn theo bà Đinh Thị Nam – cán bộ phòng Nội vụ huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình: “Việc bố trí công việc cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn do địa phương không quản lý được sinh viên, có sinh viên ra trường không muốn về địa phương công tác, khi có vị trí tuyển dụng muốn ưu tiên cũng không tìm đâu ra sinh viên cử tuyển”.

Trước thực trạng này, vừa qua UBND tỉnh Thanh Hoá đã có công văn nhằm “siết chặt” hệ đào tạo cử tuyển. Theo ông Vương Văn Việt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Những ngành có sinh viên đã tốt nghiệp mà chưa bố trí được việc làm thì sẽ hạn chế số lượng; sẽ đào tạo phù hợp với yêu cầu và công tác tuyển dụng sau đào tạo của các huyện đưa lên”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem