Lãnh đạo cấp cao có nhất thiết phải dùng chuyên cơ đi công tác?

Lương Kết (thực hiện) Thứ sáu, ngày 02/09/2016 10:00 AM (GMT+7)
"Lãnh đạo các tỉnh, TP không tổ chức đón đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ trên đường đi, chỉ tổ chức đón tại địa điểm đến công tác. Thành phần tham gia đoàn của tỉnh, thành phố đi không quá 3 xe ô tô...". Đó là hướng dẫn mới đây của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Bình luận 0

Đánh giá về việc này, trao đổi với Dân Việt, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm rằng đây là chỉ đạo rất hợp lòng dân, đồng thời cũng nêu gương cho các quan chức cấp dưới trong việc giảm bớt chi phí từ ngân sách nhà nước, tạo dựng hình ảnh người cán bộ gần gũi với nhân dân hơn. Ông nói:

- Thực ra, trong một đoàn cán bộ đi làm việc, có rất nhiều cán bộ có thể đi chung xe với nhau, việc đó vừa gọn, công tác bảo vệ cũng dễ dàng hơn. Nếu đi thành một đoàn ô tô dài nối đuôi nhau, vừa cản trở giao thông vừa không gây được thiện cảm với dân. Với tư cách là một người dân, tôi rất hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

img

GS Nguyễn Minh Thuyết.

Việc làm trên là một trong những việc nhằm"sử dụng hiệu quả từng đồng tiền thuế của dân" mà người đứng đầu Chính phủ đã nói khi nhậm chức thưa GS?

- Đúng là việc này sẽ giảm bớt sự tốn kém cho ngân sách nhà nước, tức là tiết kiệm được tiền thuế của người dân. Không phải bây giờ chúng ta khó khăn về mặt tài chính mới nghĩ đến việc tiết kiệm, kể cả sau này có điều kiện hơn rồi thì từng đồng tiền thuế của dân, Nhà nước cũng phải tính và sử dụng cho hợp lý.

Chính phủ đã làm gương như vậy, đây là tiền lệ để các cơ quan hành chính các cấp thực hiện việc tiết kiệm, tránh rầm rộ khi đi công tác thưa GS?

- Cần phải nói thế này: Bất cứ việc gì người trên cũng phải nêu gương; nếu cấp trên làm nghiêm thì các cấp dưới không thể làm khác được. Tôi tin việc chỉ đạo của Thủ tướng sẽ tạo ra những hiệu ứng tốt. Các vị cán bộ ở cấp dưới chắc cũng sẽ phải theo gương người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất.

Tôi cũng mong Thủ tướng và các vị lãnh đạo cấp cao khác nhân dịp này rà soát lại để sửa đổi, chấn chỉnh nhiều quy định và thông lệ khác để tiết kiệm của công và giảm bớt phiền hà.

Ví dụ, nên cân nhắc xem lãnh đạo cấp cao đi đâu có nhất thiết phải dùng chuyên cơ không? Nguyên thủ nhiều nước giàu có đi thăm chính thức nước ngoài cũng chỉ dùng vé hạng C hoặc hạng đặc biệt thôi.

Hoặc, nên quy định cho rõ trách nhiệm đón tiếp của địa phương đối với các đoàn TƯ, của cấp dưới đối với các đoàn cấp trên. Người Việt Nam ta có tinh thần hiếu khách, nên mỗi khi có khách, chủ nhà bao giờ cũng lo tiếp đón hết sức chu đáo. Bên cạnh đó, nhiều vị cấp dưới còn muốn làm đẹp lòng cấp trên để gây thiện cảm. Chính vì thế, nhiều khi việc đón tiếp trở nên rầm rộ, tốn kém quá mức cần thiết.

Người đi công tác đã có lương, có chế độ công tác phí, nên cần phải tự lực. Cái gì cần địa phương, cần cơ sở hỗ trợ, phải có quy định rõ ràng; nếu không, các đoàn TƯ về địa phương, cấp trên về cấp dưới rất nhiều sẽ gây "mệt mỏi" cho địa phương, cơ sở, nhất là  khi phần lớn các tỉnh của ta còn nghèo, thu không đủ chi, còn phải được TƯ hỗ trợ thường xuyên.

Nhân việc chấn chỉnh cung cách đón tiếp đoàn công tác nêu trên nhằm mục đích tiết kiệm, GS có cho rằng với tinh thần như vậy, tới đây Chính phủ nê tiếp tục rà soát, chấn chỉnh những việc gây lãng phí lớn hơn?

- Sắp xếp lại chuyện xe cộ, đón tiếp,... đúng là để tiết kiệm nhưng nói cho đúng sự lãng phí ở các khâu khác còn lớn hơn nhiều. Ví dụ thu hồi đất làm công trình rồi bỏ hoang là lãng phí; đầu tư công trình hoành tráng nhưng không đem lại lợi ích bao nhiêu là lãng phí; quyết định một dự án sai, sau đó phải đổ tiền đổ của ra mà khắc phục còn hơn cả lãng phí... 

Tôi hy vọng với tác phong, cách suy nghĩ như hiện nay của các vị lãnh đạo, Đảng và Nhà nước sẽ có những quyết sách để chấn chỉnh các hiện tượng lãng phí nói trên, làm sao tiết kiệm, dồn những khoản chi phí không cần thiết để đầu tư và phát triển đất nước một cách hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn GS!

“Nhiều vị quan chức cấp dưới muốn làm đẹp lòng cấp trên để gây thiện cảm. Chính vì thế, nhiều khi việc đón tiếp trở nên rầm rộ, tốn kém quá mức cần thiết”.

GS Nguyễn Minh Thuyết

Theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, khi đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ đến địa phương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố không tổ chức đón đoàn trên đường đi, chỉ tổ chức đón tại địa điểm đến công tác, trừ lực lượng công an dẫn đường.

Thành phần tham gia đoàn của tỉnh, thành phố đi không quá 3 xe ô tô, bao gồm xe chung của đồng chí Bí thư, Chủ tịch và xe chung của các sở, cơ quan, thành phần khác theo yêu cầu.

Đối với các Bộ, Bộ trưởng đi xe riêng, Thứ trưởng và thành phần khác đi xe chung do Văn phòng Chính phủ chủ trì bố trí.

Khi đoàn đến thăm, khảo sát các địa điểm, thành phần tham gia đoàn gồm lãnh đạo các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các Bộ và Văn phòng Chính phủ. Các xe chở các thành phần khác không đi cùng đoàn, phải đi trước và về sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem