Lắp camera có hạn chế được bức cung, ép cung?

Thứ hai, ngày 25/11/2013 06:54 AM (GMT+7)
Việc lắp đặt camera để theo dõi công tác xét hỏi cũng là một cách tốt. Tuy nhiên việc bức cung, ép cung nếu vi phạm lại thuộc về đạo đức công vụ.
Bình luận 0
Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết bộ đang tiến hành lắp camera ở phòng hỏi cung để giám sát, tránh tình trạng bức cung. PV Dân Việt - NTTN đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội xung quanh vấn đề này. Ông Thảo đánh giá:

- Việc lắp đặt camera để theo dõi công tác xét hỏi cũng là một cách tốt. Tuy nhiên việc bức cung, ép cung nếu vi phạm lại thuộc về đạo đức công vụ. Cán bộ điều tra ai cũng biết điều đó bị nghiêm cấm nhưng do anh bất chấp hoặc năng lực hạn chế, nôn nóng muốn đạt mục đích dẫn tới vi phạm.

Rõ ràng việc đặt camera cũng là biện pháp để phòng ngừa, răn đe. Nếu để cán bộ vi phạm rồi mới kỷ luật, đuổi ra khỏi ngành, truy tố là muộn.

Bộ trưởng Trần Đại Quang có nói đã trang bị lắp camera ở phòng hỏi cung tại một số địa bàn trọng điểm, tuy nhiên việc giám sát này mới chỉ mang tính nội bộ, thưa ông?

Luật sư Ngô Ngọc Thủy (nguyên Trưởng khoa Luật Hình sự - Trường ĐH Luật Hà Nội): Việc ghi hình phải được lập biên bản xác nhận cụ thể là của vụ án đó. Băng ghi hình phải được coi là chứng cứ trong hoạt động tố tụng, có giá trị pháp lý. Nếu không được đưa vào Bộ luật Tố tụng hình sự thì cũng phải có Thông tư hướng dẫn.

- Đúng vậy, đó mới chỉ là việc giám sát ở nội bộ ngành nhưng đây vẫn là điều tốt. Ngành công an có cơ quan thanh tra để kiểm tra. Thời gian qua tôi thấy có vị cấp hàm cao nhưng vi phạm tố tụng vẫn bị ngành công an đưa ra xử lý. Tôi cho rằng vì danh dự của ngành công an người ta không dại gì che giấu cho cá nhân nào khi họ sai phạm. Tuy nhiên biện pháp đó chưa thể thực hiện một cách rộng rãi ngay được. Song song với việc này ta có thể bố trí phòng xét hỏi thay vì tường kín nên cho tường kính để dễ theo dõi. Các cơ quan điều tra cần phải tạo điều kiện cho luật sư tham gia vụ án ngay từ giai đoạn đầu (đối với luật sư mời và luật sư chỉ định ở những vụ án bắt buộc phải có người bào chữa) để đảm bảo khách quan.

Nhưng nếu không có quy định về việc phải đưa băng ghi hình vào trong hồ sơ vụ án, việc giám sát bằng camera sẽ không mang tính đồng bộ, thưa ông?

- Đúng vậy, khi đã lắp camera rồi phải có quy định chặt chẽ quản lý hoạt động của máy. Với vụ án bất thường, nếu luật sư, ĐBQH, báo chí hoặc những cơ quan có thẩm quyền đề nghị cơ quan điều tra cung cấp băng ghi hình thì đơn vị quản lý phải thực hiện. Đã trang bị camera thì cũng cần phải có văn bản quy định để việc giám sát mang tính rộng rãi hơn chứ không nên chỉ bó hẹp ở cơ quan điều tra.

- Xin cảm ơn ông!
Lương Kết (thực hiện) (Lương Kết (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem