Lấy ý kiến tích cực, nghe nhiều chiều...

Nguyệt Minh (thực hiện) Thứ năm, ngày 09/05/2019 07:11 AM (GMT+7)
Xung quanh những quan điểm trái chiều với một số đề xuất của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi (ảnh) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Bình luận 0

img

Trong phương án nghỉ tết, dự thảo đề xuất phương án 2 là giảm ngày nghỉ tết còn 5 ngày. Điều này khiến nhiều người lao động phản đối, còn cá nhân ông có quan điểm thế nào?

- Đối với thời gian nghỉ tết, hiện nay cũng có ý kiến cho rằng là phù hợp. Tuy nhiên, phải khẳng định đây là phong tục tập quán mà chúng ta đã thực hiện nhiều năm. Trước đó, khi lấy ý kiến thông qua nội dung này khi sửa đổi  Bộ luật Lao động năm 2012 thì mọi người đã đồng tình, qua quá trình thực hiện cũng không có vướng mắc. Vấn đề chỉ là Chính phủ linh động, cho làm bù, nghỉ bù để tăng thời gian nghỉ lễ cho lao động tiện bề di chuyển, giảm áp lực giao thông...

img

Đề xuất thống nhất giờ làm chung trong cơ quan công sở chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Ảnh: T.N

Quan điểm cá nhân tôi đồng tình với cách làm nghỉ tết từ trước đến nay, và việc nghỉ ngắn hay nghỉ dài, nghỉ bù hay không nghỉ bù là do Chính phủ quy định. Thêm vào đó, qua đánh giá tác động của Luật Lao động năm 2012 thì thấy rằng cũng không có ý kiến nào cho rằng việc nghỉ lễ tết như hiện hành là không phù hợp. Chỉ một bộ phận nhỏ cho rằng nghỉ tết quá dài và gần với ngày nghỉ Tết Dương lịch.

Trong khi đó, các nước trên thế giới là người ta đang có xu hướng tăng ngày nghỉ trong năm để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Vì vậy không nên bàn đến chuyện cắt ngày nghỉ tết, nên tuân thủ pháp luật hiện hành.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ là ngày 27.7. Theo ông, chúng ta có nên có thêm ngày nghỉ này?

- 27.7 là ngày Bác Hồ đã quyết định chọn làm ngày tri ân thương binh – liệt sĩ. Từ lâu, cứ vào ngày này là người dân Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài lại hướng tới những người đã có cống hiến xương máu với đất nước, thực hiện các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi người có công với cách mạng và thân nhân của họ.

Nếu Chính phủ đề xuất ngày nghỉ này thì chúng ta có thêm điều kiện để thực hiện các hoạt động tri ân, thăm hỏi, đền ơn đáp nghĩa như vậy. Đề xuất này ngày nghỉ 27.7 cũng thể hiện tính nhân văn.

 Thực tế, trên thế giới cũng có nhiều nước chọn những ngày tương tự như vậy để tri ân, nghỉ lễ. Về mặt cá nhân, tôi cho rằng chúng ta đưa ra lấy ý kiến nhân dân, nếu sự đồng thuận cao, có thêm một ngày nghỉ lễ nữa thì cũng rất hợp lý. Nếu có thêm  ngày nghỉ lễ 27.7 nữa thì tổng số ngày nghỉ lễ, Tết của chúng ta cũng mới chỉ có 11 ngày, so với quy định số ngày nghỉ lễ của các nước trên thế giới cũng mới chỉ ở mức trung bình thấp. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến cần đánh giá tác động tới vấn đề phát triển kinh tế - xã hội để tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần chú trọng điều gì để tăng lợi ích cho người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội?

- Theo tôi, đây mới chỉ là dự thảo lấy ý kiến nhân dân, các bộ, ban, ngành chủ yếu chịu tác động của luật, vì thế có những ý kiến đưa ra là ý kiến của các bên có quan hệ lao động, ví dụ như đại diện người lao động, đại diện người chủ sử dụng lao động, đại diện cơ quan quản lý lao động...  nên ý kiến đề xuất rất đa dạng. Vấn đề là sau khi hoàn thiện dự thảo cần lấy ý kiến rộng rãi, liên tục trong thời gian dài để người dân, bộ ngành và những người có liên quan góp ý, bổ sung.

Chuyện không đồng thuận khi đưa ra dự thảo luật cũng là đương nhiên, tuy nhiên chúng ta phải lấy ý kiến tích cực, phải nghe nhiều chiều, nhiều chuyên gia và học tập kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Từ đó để thấy rằng đâu là vấn đề có lợi, đâu là vấn đề hạn chế. Nếu thuận lợi, tích cực thì chúng ta áp dụng, nếu không thì chúng ta thôi.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem