Liên tiếp xảy ra sự cố y khoa, Bệnh viện Emcas "coi trời bằng vung"?

Đông Anh - Bạch Dương Thứ bảy, ngày 02/11/2019 17:07 PM (GMT+7)
Trong vòng nửa tháng, tại Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ Emcas (TP.HCM) đã xảy ra 2 sự cố y khoa nghiêm trọng (có một sự cố gây chết người). Sở Y tế TP.HCM đã có biện pháp chấn chỉnh, tuy nhiên, Emcas vẫn… "coi trời bằng vung".
Bình luận 0

Nâng túi ngực gây chết người, bác sĩ phẫu thuật xài chứng chỉ... giả

Ngày 17/10, bệnh nhân V.N.A.T (sinh 1986, ngụ quận 3, TP.CM) nhập Bệnh viện Emcas để phẫu thuật túi ngực. Bệnh nhân được phẫu thuật lúc 14h45 cùng ngày, cuộc phẫu thuật kéo dài 45 phút.

20 phút sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, được chuyển ra phòng hồi sức. Nhưng tới 20h45, điều dưỡng phát hiện bệnh nhân khó chịu và sùi bọt mép. Tình trạng bệnh nhân xấu dần. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Nhân Dân 115 cấp cứu, với chẩn đoán truỵ tim mạch, suy hô hấp. Nhưng trong lúc nhập viện, bệnh nhân đã tử vong.

Mới đây, nạn nhân là chị Đ.T.N.A. (28 tuổi) từ Hà Nội vào TP.HCM hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện Sophie International (Tân Định, quận 1). Sau đó, với lý do không đủ phương tiện hiện đại, thẩm mỹ viện Sophie International đưa chị A. sang làm thủ thuật hút mỡ bụng tại Bệnh viện Emcas. 

Ngày 27/9, các bác sĩ khám tổng quát và kết luận chị A. đủ điều kiện để phẫu thuật hút mỡ bụng. Chị A. chuyển đủ tổng số tiền 148 triệu đồng cho thẩm mỹ viện Sophie International và được tiến hành phẫu thuật hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện Emcas ngày 28/9.

Nữ khách hàng được căng da bụng, hút mỡ vùng lưng, vai, nách, bắp tay trên 2 cánh tay, cắt da bụng, nối lại dây chằng ở vùng bụng. Bệnh nhân được xuất viện sau 2 ngày phẫu thuật hút mỡ bụng và có hẹn tái khám sau 1 tháng.

Sau phẫu thuật, chị A có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, khó thở và các biểu hiện này ngày càng nặng hơn. Đến ngày 24/10, nhận thấy tình hình sức khỏe không cải thiện, gia đình đã đưa chị A. đi thăm khám tại 1 Bệnh viện tư ở Hà Nội. Tại đây, chị A vô cùng bàng hoàng khi bác sĩ thông báo chị mang thai được 8 tuần, nghĩa là tại thời điểm thực hiện phẫu thuật hút mỡ bụng, chị đã mang thai được 4 tuần.

Với các phẫu thuật trên, nguy cơ chị A. khó có thể mang thai là rất lớn. Vì vậy, chị A đã gửi đơn khiếu nại. Từ đây, cơ quan chức năng y tế TP.HCM đã phát hiện bác sĩ Đinh Viết Hưng phẫu thuật căng da bụng cho chị A, cũng chính là bác sĩ đã phẫu thuật túi ngực cho chị V.N.A.T và dẫn tới cái chết của chị T cách đây nửa tháng…

Đặc biệt, người ta phát hiện ông Hưng đã sử dụng chứng chỉ giả để hành nghề. Sở Y tế TP.HCM đang xác minh đơn vị nào cho phép bác sĩ Đinh Viết Hưng phẫu thuật thẩm mỹ bởi Sở Y tế TP.HCM chỉ cấp phép cho bác sĩ này làm “kỹ thuật chấn thương chỉnh hình”, chứ không cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ...

img

Văn bản của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai khẳng định quyết định 009047 là "giả mạo". Ảnh: T.L

Theo Quyết định số 009047 mà bác sĩ Hưng cung cấp cho Sở Y tế TP.HCM có quyết định điều chỉnh bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn khám, chữa bệnh, với phạm vi được bổ sung là “khám, chữa bệnh chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ”. Quyết định này do Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cấp.

Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phối hợp xác minh. Ngày 1/11, ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, qua rà soát thông tin xin cấp bổ sung phạm vi hành nghề, thuộc lĩnh vực khám của phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) cho thấy “không có hồ sơ tên Đinh Viết Hưng”.

Như vậy, quyết định số 009047 của bác sĩ Đinh Viết Hưng cung cấp cho Sở Y tế TP.HCM là quyết định giả, con dấu và chữ ký trên quyết định này cũng giả mạo nốt, bởi vì,vào thời điểm này, giám đốc ký tên đã nghỉ hưu.

"Tạm ngưng" , nhưng vì sao vẫn tiếp tục... gây sự cố?

Điều đáng nói, ngay sau khi xảy ra vụ chị V.N.A.T phẫu thuật túi ngực bị tử vong ngày 17/10 vừa qua. Ngày 21/10, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã có công văn “khẩn” số 5822/SYT-NVY, gửi Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và UBND TP.HCM.

Tại công văn 5822, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã nhận định sự cố y khoa trên tại Bệnh viện Emcas là “ở mức nghiêm trọng” (được phân loại NC3 theo quy định tại Thông tư 43/2018/TT-BYT). Sở Y tế TP.HCM sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn cấp Sở theo quy định.

Qua đó nhằm phân tích, kết luận có hay không có sai sót chuyên môn đối với ê kíp phẫu thuật có liên quan, làm căn cứ xử lý (nếu có) vi phạm theo quy định Luật khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện đối với hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ.

img

Bệnh viện Emcas ở TP.HCM. Ảnh: T.L

Sở Y tế TP.HCM còn cho biết đã có văn bản yêu cầu Bệnh viện Emcas “tạm ngưng thực hiện các kỹ thuật có liên quan đến việc sử dụng phương pháp vô cảm liên quan đến gây mê; thời gian tạm ngưng này là để bệnh viện chủ động rà soát, đánh giá lại mức độ an toàn phẫu thuật theo Bộ tiêu chí ban hành tại Quyết định 7482/QĐ-BYT của Bộ Y tế; củng cố, khắc phục ngay những nội dung chưa đảm bảo yêu cầu…”.

Trong thời gian “tạm ngưng” để “rà soát đánh giá lại mức độ an toàn phẫu thuật”, “củng cố, “khắc phục” sự cố chết người thì bệnh viện này gây ra thêm sự cố mới cho bệnh nhân Đ.T.N.A.

Trả lời PV Dân Việt, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết: “Hiện thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với Công an TP để điều tra vụ việc. Bác sĩ Đinh Viết Hưng là người phẫu thuật đặt túi ngực cho nữ khách hàng V.N.A.T (33 tuổi) dẫn đến tử vong vào ngày 17/10, đồng thời, cũng là người hút mỡ bụng cho chị Đ.T.N.A đang mang thai 4 tuần, gây hoang mang dư luận những ngày vừa qua. 2 ca phẫu thuật này được bác sĩ Đinh Viết Hưng thực hiện tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas và có hợp đồng hợp tác chuyên môn với Bệnh viện thẩm mỹ này”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem