“Lòng tin” - di sản vô giá làm nên thắng lợi của Cách mạng

Lương Kết (thực hiện) Chủ nhật, ngày 03/09/2017 06:09 AM (GMT+7)
“Cái gì đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 long trời, lở đất? Đó là vì có nhân dân. Để có được sức mạnh toàn dân chính là từ lòng tin, lòng tin vào chính nghĩa, lòng tin vào khả năng lãnh đạo cách mạng của Mặt trận Việt Minh, lòng tin vào người lãnh đạo phong trào”, GS –TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói khi đề cập đến một trong những yếu tố làm nên thắng lợi của cách mạng.
Bình luận 0

Sức mạnh từ lòng tin

Thưa GS, khi nói tới những bài học để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám có yếu tố cực kỳ quan trọng đó là việc tạo lòng tin để tập hợp nhân dân, GS đánh giá gì về nhận định này?

- Không riêng gì với Việt Nam, nhìn rộng ra phạm vi toàn thế giới cũng như xuyên suốt quá trình lịch sử loài người, khi ai đó huy động được sức mạnh của cộng đồng, có thể là tập hợp nào đó trong công chúng, thậm chí cả dân tộc để hướng về mục tiêu nào đó, thì nó tạo ra sức mạnh ghê gớm. Cái gì là cốt lõi để cộng đồng cấu kết nhau lại thành sức mạnh thống nhất, đó chính là lòng tin. Nói như vậy để thấy vấn đề này mang tính quy luật, thuộc nguyên lý này tức là nắm vững quy luật.

img

Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) năm 1958.   Ảnh: Tư liệu

Với Việt Nam, quy luật này ở trong nhiều giai đoạn lịch sử nhiều khi nó chi phối còn trên cả mức thông thường. Trước cuộc Cách mạng Tháng Tám, có thể nói dân tộc Việt Nam đã trải qua những thời khắc hiểm nghèo, sau thất bại của triều đình nhà Nguyễn vào cuối thế kỷ XIX, nền độc lập dân tộc rơi vào tay ngoại xâm.

Đã có rất nhiều phong trào nổi dậy, nhân dân ta đã được huy động vào nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm nhưng lần lượt thất bại. Sự thất bại này không chỉ mang ý nghĩa về mặt quân sự mà còn có ý nghĩa về mặt tâm lý. Dường như trong nhân dân đã xuất hiện một tâm trạng tuyệt vọng, nghĩa là không tin vào khả năng có thể giành lại độc lập, vì chúng ta ở thế “trứng chọi đá”. Câu chuyện sức mạnh của tư bản phương Tây, sự phản bội đầu hàng và nhiều chuyện khác đã tạo ra tình trạng tâm lý tuyệt vọng của người dân, nghĩa là họ mất hết lòng tin.

Trong bối cảnh đó, Mặt trận Việt Minh, nòng cốt là Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm được việc phi thường, tức là vực dậy lòng tin của cả dân tộc,  đó là việc rất vĩ đại. Và đó chính là cội nguồn thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Để có được sức mạnh toàn dân chính là từ lòng tin, lòng tin vào chính nghĩa, lòng tin vào khả năng lãnh đạo cách mạng của Mặt trận Việt Minh, lòng tin vào người lãnh đạo phong trào. Lúc đó uy tín của lãnh tụ Hồ Chí Minh là cực kỳ quan trọng.

Để tập hợp nhân dân việc tạo lập được lòng tin đã rất khó nhưng giữ vững được lòng tin cũng không hề đơn giản, chúng ta đã thực hiện nhiệm vụ này thế nào?

-Lòng tin trong trường hợp nêu trên không chỉ giải thích đó là căn nguyên dẫn tới thắng lợi của cách mạng mà điều quan trọng muốn nói tới nữa đó di sản vô giá mà Đảng ta có được.

img

"Một điều quan trọng cũng phải thấy đó là lòng tin phải được dựa trên thực tế, nghĩa là người dân tin, làm theo cái đó sẽ đem lại lợi ích gì, chứ không phải là sự hão huyền”.

GS - TSKH Vũ Minh Giang

Quay trở lại câu chuyện lịch sử, có chính quyền với đầy đủ vật chất trong tay nhưng khi mất lòng tin của nhân dân thì giang sơn cũng rơi vào tay ngoại bang - như trường hợp nhà Hồ đầu thế kỷ XV. Có thể nói trong thời quân chủ, không có triều đại nào quân đội được tổ chức mạnh như thời nhà Hồ, với binh hùng, tướng mạnh, bên cạnh đó là thành cao, hào sâu, nhưng khi quân giặc tràn vào chỉ có mấy tháng đã mất nước.

Nói như vậy để thấy sức mạnh vật chất dù lớn đến đâu cũng là hữu hạn, chỉ có sức mạnh lòng tin là tài sản vô giá. Chính vì thế, những người lãnh đạo cách mạng phải hiểu sâu sắc là một khi thấy lòng tin của người dân có dấu hiệu sứt mẻ trước hết phải tự xem nguyên nhân dẫn tới tình trạng đó là vì sao. Thông thường chỉ xuất phát từ nguyên nhân rất căn bản. Đừng cho rằng là vì đời sống khó khăn dẫn tới người dân không tin. Nếu như thế thì trong lịch sử không có chuyện người dân đi theo cách mạng, bởi lúc đó cách mạng chưa có gì nhưng nhân dân vẫn theo.

Nói phải đi đôi với làm

GS có nói việc để mất lòng tin chỉ xuất phát từ nguyên nhân rất căn bản, ông có thể nói rõ hơn?

- Để mất lòng tin trước hết có sự bất tín từ những người mà nhân dân gửi gắm. Ví dụ những cán bộ có chức phận cao nhưng nhân dân nhìn vào lại thấy đó không phải là tấm gương để họ tin và nghe theo. Mặc dù có thể những người đó vẫn ở vị trí cao nhưng dẫn đến suy nghĩ của người dân rằng hình như giá trị không giống như những gì họ nghĩ.

Chuyện chính quyền đặt ra những chính sách, kế hoạch và những thứ khác nhưng người dân thấy so với thực tế không giống như vậy, hay nói cách khác người lãnh đạo nói một đằng làm một nẻo thì đó cũng là nguyên nhân dẫn tới mất lòng tin. Sự thiếu gương mẫu là một, tiền hậu bất nhất là hai, là những nhân tố rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến lòng tin.

Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay nếu không được đẩy lùi sẽ khiến người dân ngày càng mất lòng tin vào chính quyền, thưa GS?

- Qua nhiều vụ việc, vấn đề được báo chí phản ánh, dư luận bức xúc có thể thấy hình như đang diễn ra với tốc độ ngày càng tăng quá trình quan liêu hóa các bộ máy, các chức vụ. Thứ hai là có quá trình tha hóa quyền lực, đôi khi quyền lực có những quyền năng nhất định, nhưng một xã hội dân chủ thì quyền năng đó được giám sát, kiểm soát, điều tiết, nhưng hiện nay vấn đề giám sát của chúng ta còn yếu.

Quyền lực khi bị giám sát yếu thì nó bị tha hóa và trở thành một thứ nhũng nhiễu, tệ tham ô, hối lộ. Cái đó là thứ làm xói mòn lòng tin một cách ghê gớm. Sự quan liêu, xa dân đã thuyên giảm lòng tin, còn sự tha hóa quyền lực, biến quyền lực thành thứ làm tiền, thứ hành dân thì lòng tin sẽ mất đi rất nhanh.

Trong bối cảnh hiện nay, chính quyền muốn củng cố và giữ vững lòng tin với nhân dân cần chú trọng điều gì?

-Không được nhìn vấn đề một cách đơn giản, bởi lòng tin có dấu ấn của văn hóa truyền thống chứ không phải chung chung, chúng ta cũng giống như Pháp hay như Nhật Bản… Mỗi một nơi uy tín được tạo ra có tác động của văn hóa truyền thống. Ví dụ đối với người Việt Nam, lòng tin đôi khi được tạo ra từ sự chia sẻ của cộng đồng, chứ không phải chỉ là luận lý của người lãnh đạo, thuyết phục cả cộng đồng khó hơn thuyết phục một người. Chính vì thế phải thấu hiểu cả tâm lý có tính văn hóa truyền thống.

Để củng cố và phát triển lòng tin của người dân trước tiền đồ của đất nước, để dân tin vào chính thể, tin vào những người lãnh đạo hiện nay, tất cả những cái đó không chỉ bằng những lời hô hào, những bài báo có tính tuyên truyền, kêu gọi mà giải quyết được. Muốn giải quyết được phải thực hiện một cách hệ thống, bài bản và triệt để. Bài học đầu tiên là nói đi đôi với làm, Chính phủ nói như thế sẽ làm như thế, chứ hôm nay nói một đằng, ngày mai làm một kiểu khác rồi bảo nhân dân cứ tin đi thì không ổn.

Thứ hai là gương mẫu, người dân ít khi quan sát được những vị có chức có quyền mà quan sát được những người thân của những vị lãnh đạo. Ví dụ người lãnh đạo kêu gọi người dân đầu tư trong nước, nhưng người dân quan sát thấy vợ, con người lãnh đạo đó cứ chuyển tiền ra nước ngoài, rồi mua nhà ở nước này, nước kia... thì họ sẽ không tin.

Người lãnh đạo muốn người dân tin và theo, trước hết phải làm sao có cách biểu thị rằng tôi làm mẫu, gia đình tôi làm mẫu. Trước đây, trong thời kỳ kháng chiến, có những đồng chí lãnh đạo cao cấp vẫn cho con nhập ngũ, ra chiến trường. Người dân nhìn vào họ thấy yên tâm, thấy sự khó khăn, thậm chí hy sinh thì những người lãnh đạo cao cấp vẫn sẵn sàng gánh vác cùng cả dân tộc. Nếu chỉ thấy có con em nông dân ra chiến trường, còn con em những vị lãnh đạo đi ra nước ngoài học tập..., e rằng lòng tin của người dân sẽ bị xói mòn.

Xin cảm ơn GS !

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem