Lúa nằm chờ thương lái

Thứ năm, ngày 10/06/2010 07:50 AM (GMT+7)
(NTNN) - Sau tuyên bố ngừng mua tạm trữ, các doanh nghiệp, thương lái đều “án binh bất động” khiến hàng trăm ngàn tấn lúa hè thu sớm của nông dân ĐBSCL bán chẳng ai mua.
Bình luận 0
img
Phơi sấy lúa hè thu sớm ở ĐBSCL.

Nông dân lại khốn đốn

Vụ hè thu năm 2010, các tỉnh ĐBSCL gieo sạ hơn 1,6 triệu ha, hiện đã thu hoạch hơn 50.000ha lúa hè thu sớm. Năng suất bình quân hơn 5 tấn/ha. Khoảng giữa tháng 6 này nhiều nơi sẽ thu hoạch rộ, đến tháng 7 và 8 sẽ vào chính vụ… Thế nhưng, ngày 9-6, nhiều nông dân ở ĐBSCL cho biết mới đầu vụ nhưng lúa mới bán chẳng ai mua.

Tại huyện Long Phú (Sóc Trăng), lúa hè thu sớm thu hoạch đã mấy tuần cứ nằm ì ra sân chờ thương lái. Túng tiền, nhiều người “bấm bụng” kêu bán 3.800 đồng/kg nhưng vẫn không bán được.

“Giá vốn sản xuất lúa vụ này cao lắm, hơn 3.500 đồng/kg, có nơi đến hơn 3.800 đồng/kg, kêu bán giá vốn cũng chẳng ai mua. Bán giá đó là bán coi như “lỗ đứt” cả công cán và tiền lãi phân bón, thuốc trừ sâu. Vậy mà, lái cứ kỳ kèo, làm bộ làm tịch hổng chịu mua” - ông Ngô Văn Phiên, nông dân ở huyện Long Phú chán nản.

Tại các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú và ngoại thành TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng), nông dân cũng trông dài cổ chờ thương lái đến mua.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, nông dân huyện Tháp Mười đã thu hoạch hơn 5.000ha lúa hè thu sớm. Năng suất 5,6 tấn/ha, chất lượng không thua kém gì lúa đông xuân. Song, tình cảnh cũng không mấy gì sáng sủa. Nhiều người thu hoạch xong chạy tìm mối lái quen năn nỉ nhờ mua giúp để lấy tiền đưa con đi thi cử, học hành nhưng họ lắc đầu nguầy nguậy.

“Từ cái ăn, cái mặc đến lo cho con cái học hành quanh năm chỉ cậy vào hột lúa. Cái cảnh lúa ế ẩm thế này khiến nông dân tụi tôi lại thêm một phen khốn đốn”- ông Phạm Văn Tùng, nông dân huyện Tháp Mười, tâm sự.

Chính vụ có “ảm đạm” hơn?

TS. Lê Văn Bảnh (Viện Lúa ĐBSCL) nhận định, việc các doanh nghiệp ngừng mua tạm trữ vì không có kho chứa, chứ lúa tồn đọng trong dân vẫn còn: “Nếu trong dân hết lúa tự nhiên giá sẽ tăng lên vùn vụt và sẽ cầm mức 5.000 đồng/kg trở lên chứ không phải mức giá 4.000 đồng/kg trở xuống như hiện nay”.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự báo việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ này sẽ còn khó khăn hơn năm ngoái. Theo VFA, do xu hướng thị trường sút giảm còn kéo dài nên xuất khẩu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa hè thu.

Ngoài ra, do áp lực tồn kho và sản lượng tăng trong khi thị trường biến động bất thường, nhu cầu đến chậm, giao dịch thận trọng và giá giảm. Nếu không có kế hoạch mua vào tạm trữ kịp thời, giá lúa gạo trong nước sẽ giảm trong khi giá thành sản xuất tăng khi thu hoạch rộ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chưa có “kịch bản” mới để xuất khẩu gạo hiệu quả hơn tránh lặp lại cảnh “được mùa – rớt giá” cho người trồng lúa bớt khổ. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là giá thành sản xuất và giá thu mua lúa hè thu vẫn chưa được các bộ, ngành hữu quan tính toán xong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem