Lúng túng giảm nghèo đa chiều - Bài 1: Mơ hồ chính sách

Minh Nguyệt – Tùng Anh Thứ hai, ngày 19/10/2015 06:30 AM (GMT+7)
LTS: Từ 1.1.2016, cả nước sẽ triển khai các chính sách theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương vẫn lúng túng trong đo lường hộ nghèo đa chiều, thậm chí không biết “đa chiều” gồm tiêu chí gì.
Bình luận 0

Nghèo kiệt quệ

Khác hẳn với khung cảnh sầm uất của thị trấn Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La), chỉ cách đó chưa đầy 3km, tại bản Nặm Lạ có đến hơn chục gia đình quanh năm chịu cảnh nghèo đói. Nhà chị Lò Thị Điền (sinh năm 1981) được coi là 1 trong số gia đình nghèo nhất bản Nặm Lạ, Hát Lót. Trên đường dẫn chúng tôi vào thăm nhà chị Điền, chị Lò Thị Cương – Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ bản Nặm Lạ cứ nhắc mãi: “Gia đình này hoàn cảnh lắm, không biết làm thế nào để thoát nghèo được”.

img

Mẹ con chị Lò Thị Thiện (bản Nặm Lạ, Hát Lót, Sơn La) bên ngoài ngôi nhà rách nát. Ảnh:  Nguyễn Thiêm 

Leo được hết đoạn đường đất nhầy nhụa lên đỉnh đồi, ngôi nhà của mẹ con chị Lò Thị Điền nằm chênh vênh, trống huơ trống hoác. Gọi là nhà cho nó “sang”, thực ra nó chỉ được ghép bởi những mảnh ván cũ còn lấm bùn đất, chỗ kín, chỗ hở. Không khá hơn bên ngoài, cảnh tượng bên trong ngôi nhà trông còn thê thảm hơn. Tất cả tài sản của mẹ con chị Điền là chiếc giường ọp ẹp được kê bằng mấy tấm ván, 1 chiếc chăn cũ nát, dưới đất chỏng chơ 2 chiếc nồi và một chiếc ấm sắt đen sì. Chị Lò Thị Cương – Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ bản Nặm Lạ cho biết, chị Điền bị thiểu năng trí tuệ, có 1 người con trai là Lò Văn Sao 10 tuổi nhưng cũng bị như mẹ. Hai mẹ con không thể lao động sản xuất cũng như học tập được. Tất cả đều phải nhờ vào sự hỗ trợ của người em trai cũng không mấy khá giả ở gần đó. Nhà chị Điền có ruộng, nhưng thuộc vùng đất sạt lở nên khó trồng trọt được. Xã phải hỗ trợ tiền điện, vào các dịp lễ tết xã cũng hỗ trợ gạo và thuốc men cho mẹ con chị Điền.

Tuy không rơi vào cảnh nghèo “thu nhập” như chị Điền nhưng cứ nhìn ngôi nhà như chuồng bò của gia đình chị Lò Thị Thiện (bản Nặm Lạ) thì thấy gia đình chị sắp phải “tái nghèo” nếu đo lường nghèo đa chiều. 

“Nhà Thiện tuy được vay vốn làm ăn, có vài cặp dê, ít con vịt, lại chăm chỉ làm ăn, thu nhập trên 450.000 đồng người/tháng, nhưng nhà cửa tạm bợ, cả hai mẹ con lại không có bảo hiểm y tế, không có phương tiện tiếp cận thông tin, nhà tiêu chưa hợp vệ sinh… con trai chị không được đến trường. Nếu xét hộ nghèo đa chiều thì đương nhiên nhà chị sẽ là hộ nghèo mới” – chị Cương nói.

Vẫn chờ hướng dẫn

"Hiện chúng tôi đã hoàn tất việc tập huấn cho cấp huyện, cấp tỉnh về giảm nghèo đa chiều, thời gian tới sẽ tiến hành tập huấn cho tất cả cán bộ cấp thôn, xã để các đối tượng hiểu rõ, đồng thuận trong việc chuyển đổi phương pháp giảm nghèo”. 

Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng - Chánh Văn phòng giảm nghèo quốc gia, Bộ LĐTBXH

Mặc dù đã được nghe loáng thoáng về giảm nghèo đa chiều, nhưng bản thân chị Cương và nhiều cán bộ xã Hát Lót vẫn không hiểu giảm nghèo đa chiều là gì. “Trước đây, huyện có tổ chức một lớp tập huấn  an sinh về các vấn đề giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cho cán bộ thôn, bản và cán bộ xã, nhưng không thấy nói gì về nghèo đa chiều” – chị Cương nói.

Hiện nay toàn bản Nặm Lạ có 83 hộ thì có tới 9 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo. “Thực ra nếu xét kỹ  thì phải có đến 13 hộ thuộc diện hộ nghèo, thế nhưng vì nhiều lý do như nhận hộ nghèo quá lâu, kinh tế nhích hơn các nhà kia một chút nên bị gạt ra. Hoặc cũng có thể do nhà có người nghiện ngập, lười làm ăn thì cũng có thể bị bỏ ra khỏi danh sách hộ nghèo” – chị Cương giải thích. Ông Cầm Ngọc Quý – Phó Chủ tịch xã Hát Lót bộc bạch: “Quả thực tôi cũng có nghe loáng thoáng về nghèo đa chiều, nhưng tới nay chưa thấy ở trên có công văn hay chỉ đạo thực hiện gì nên vẫn chờ thôi”.

Không riêng gì các thôn, bản miền núi, ngay tại đồng bằng, tại xã được Bộ LĐTBXH chọn làm xã điểm để đo lường nghèo đa chiều, tình trạng người dân, nhiều cán bộ địa phương vẫn còn hiểu khá mơ hồ về phương pháp giảm nghèo đa chiều.  Gia đình ông Nguyễn Văn Năm là hộ cận nghèo (thôn 4, xã Trì Quang, Bảo Lộc, Lào Cai) tâm sự: “Lâu nay chỉ thấy cán bộ nói nhà nghèo là nhà có thu nhập dưới 450.000 đồng/tháng/người chứ đâu có nghe thấy nghèo là không được nghe đài báo, không có bảo hiểm y tế, không có nhà ở kiên cố… đâu”.

Ông Lê Viết Trực – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Sơn La cho hay: “Hiện nay, địa phương chưa có bất cứ chương trình tập huấn hay triển khai gì về giảm nghèo đa chiều. Tất cả vẫn đang chờ công văn hướng dẫn của Trung ương về vấn đề này”. Theo ông Trực, tính theo tiêu chí cũ thì Sơn La có 68.947 hộ nghèo (chiếm 21,1% tổng số hộ), khả năng nếu thực hiện giảm nghèo đa chiều con số này còn có thể tăng gấp nhiều lần. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem