Lúng túng xử lý thực phẩm mất vệ sinh

Thứ tư, ngày 17/10/2012 10:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tỷ lệ thịt gia súc gia cầm nhiễm vi sinh vượt quá giới hạn cho phép là 29,4% năm 2009 đã tăng lên 27,67% năm 2010 và 30% năm 2011. Tỷ lệ thủy hải sản tồn dư hóa chất là 1% năm 2009 tăng lên 3,8% năm 2010 và 0,8% năm 2011…
Bình luận 0

Hôm qua (16.10), Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm “Để có bữa ăn cho mọi nhà”. Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đã cho rằng, những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra ngày càng nghiêm trọng và cần chế tài xử lý nghiêm hơn.

Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “Hàng năm, Bộ NNPTNT đều lấy mẫu giám sát với những nông sản chủ lực như thịt, rau, quả... Kết quả giám sát năm 2011 cho thấy, tỷ lệ gia cầm nhiễm vi sinh vượt quá mức cho phép là 30%. Hải sản nhiễm tồn dư hóa chất là 0,8%, ô nhiễm sinh học là 6,7%”.

Theo ông Tiệp, việc lấy mẫu được thực hiện tại hầu hết các tỉnh, đại diện cho sản xuất nhỏ lẻ và sản xuất lớn, kích cỡ mẫu đủ lớn, đảm bảo tin cậy.

img
Rất nhiều loại rau, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) lại tỏ ra “lạc quan” khi cho rằng: “Rõ ràng tỷ lệ ô nhiễm tại Việt Nam vẫn còn, nhưng so với các nước trong khu vực thì cũng không phải đáng lo ngại”.

Trái với sự “lạc quan” của ông Phong, trên thực tế theo kết quả giám sát của Bộ NNPTNT, tình hình vi phạm về vệ sinh ATTP ngày càng xấu đi. Cụ thể, tỷ lệ thịt gia súc gia cầm nhiễm vi sinh vượt quá giới hạn cho phép là 29,4% năm 2009 đã tăng lên 27,67% năm 2010 và 30% năm 2011. Tỷ lệ thủy hải sản tồn dư hóa chất là 1% năm 2009 tăng lên 3,8% năm 2010 và 0,8% năm 2011…

Trả lời câu hỏi hàng loạt các phương tiện chở hàng tấn thực phẩm, nội tạng không rõ nguồn gốc, thối hỏng bị bắt giữ tại các địa phương, vai trò của các cơ quan quản lý như thế nào, trong khi, nhiều địa phương lại ngại bắt giữ vì sợ phải bỏ kinh phí tiêu huỷ; ông Phong cho biết: “Trong các Nghị định hướng dẫn về xử phạt hành chính đều có quy định nếu phát hiện, bắt được phương tiện vi phạm thì có thể tịch thu cả phương tiện, vấn đề là chúng ta có làm hết trách nhiệm hay không”.

Theo thống kê, hàng năm Việt Nam có hàng trăm ca ngộ độc thực phẩm làm khoảng 5.000 người mắc, hàng chục người chết.

Cùng quan điểm trên, theo ông Nguyễn Như Tiệp, đúng là có thực tế vấn đề tiêu hủy là tốn kinh phí, mất công. Bên thú y gặp khó khăn trong việc này, nếu xử lý, tịch thu thì mới chỉ là phần ngọn. Trong khi, phần gốc là cần phải xem xét, xử lý việc lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất hoặc nhập lậu qua biên giới.

“Theo tôi, các cơ quan như biên phòng, hải quan, thú y cần phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn ngay từ biên giới. Nếu để nguồn hàng này nhập vào trong nước sẽ rất khó xử lý từ việc tịch thu đến tiêu hủy mặt hàng vi phạm” - ông Tiệp nói.

Ông Lê Danh Tuyên - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo: “Quá trình tự chế biến trong gia đình phải bảo đảm đúng những quy định cụ thể như loại thực phẩm nào, thì cần làm sạch bằng gọt vỏ, loại nào cần nấu chín, để đảm bảo hợp vệ sinh. Tốt nhất, để đảm bảo ATTP cho bản thân và gia đình, người dân phải trang bị kiến thức để trở thành những người tiêu dùng thông thái”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem