Mất hồ sơ gốc “hotgirl xứ Thanh”, ai phải chịu trách nhiệm?

Hòa Nguyễn (ghi) Thứ ba, ngày 04/04/2017 15:36 PM (GMT+7)
Là một cán bộ lãnh đạo cấp phòng, trong quy hoạch bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở, việc cho thôi việc lẽ ra phải được xét duyệt chặt chẽ, tham khảo ý kiến của các phòng, ban, cơ quan. Thời gian ban hành quyết định cho thôi việc chỉ sau 3 ngày kể từ ngày có đơn đặt ra nhiều nghi vấn.
Bình luận 0

Đánh giá về quy trình cho thôi việc đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nguyên Trưởng phòng thuộc Sở Xây dựng Thanh Hóa, luật sư Phạm Ngọc Minh (Công ty Luật Everest, Đoàn Luật sư Hà Nội) đã nhận định như trên.

img

Luật sư Phạm Ngọc Minh.

Thứ nhất, về quy trình thôi việc của công chức, theo luật sư Phạm Ngọc Minh, căn cứ Nghị định 46/2010/NĐ-CP ngày 27.4.2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức, một trong các nguyên tắc thực hiện thôi việc là tuân thủ thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Về thủ tục giải quyết thôi việc của công chức, tại Điều 4 Nghị định này đã quy định rõ, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn xin thôi việc của công chức, nếu đồng ý cho công chức thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc bằng văn bản.

Đối chiếu với trường hợp xin thôi việc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, việc ban hành quyết định cho thôi việc chỉ sau 3 ngày kể từ ngày bà Trần Vũ Quỳnh Anh có đơn xin thôi việc tự nguyện, là không trái quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, là một cán bộ lãnh đạo cấp phòng, trong quy hoạch bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Xây dựng, việc ra quyết định cho thôi việc đáng lẽ phải được xét duyệt chặt chẽ, tham khảo ý kiến của các phòng, ban, cơ quan. Tuy nhiên, việc Sở Xây dựng ban hành quyết định cho thôi việc chỉ sau 3 ngày kể từ lúc bà Quỳnh Anh có đơn đã đặt ra nhiều nghi vấn về việc có thực hiện đúng, đầy đủ quy trình hay không.

Thứ hai, về việc hồ sơ công chức của bà Quỳnh Anh không còn lưu giữ tại Sở Xây dựng, luật sư Minh đánh giá: Việc quản lý hồ sơ công chức được quy định cụ thể tại Thông tư 11/2012/TT-BNV ngày 17.12.2012 của Bộ Nội vụ, trong đó quy định rõ trường hợp công chức thôi việc, được nhận một bản sao “Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức”, các quyết định liên quan.

Hồ sơ gốc vẫn do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý hồ sơ công chức lưu giữ, bảo quản và đưa vào nhóm công chức thôi việc. Cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức chỉ được xác nhận và cấp lại bản sao “Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức” khi có yêu cầu bằng văn bản và trên cơ sở hồ sơ gốc lưu trữ.

Như vậy, việc Chánh văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa giao toàn bộ hồ sơ gốc cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh khi nhận quyết định thôi việc là làm trái với quy định về việc quản lý hồ sơ công chức đã nêu trên.

Thứ ba, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan, luật sư Phạm Ngọc Minh nhận định: Để làm rõ có hay không các sai phạm trong vụ việc này, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa phải minh bạch, công khai việc thực hiện thủ tục giải quyết thôi việc đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh.

Bởi, với vị trí là một công chức quản lý cấp phòng, việc thôi việc ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của phòng ban đang quản lý, các bộ phận có liên quan. Nếu việc cho thôi việc đã được đảm bảo thông qua các phòng ban, bộ phận có liên quan, đảm bảo bàn giao công việc, việc ra quyết định cho thôi việc là không trái quy định.

Đối với sai phạm trong việc quản lý hồ sơ công chức, trách nhiệm trực tiếp thuộc về Chánh văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã trả toàn bộ hồ sơ cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh, nhưng cũng cần xét đến trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa đã không quản lý chặt chẽ dẫn đến việc làm sai quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem