Mất mạng bởi thuốc... giảm sốt 

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 16/09/2017 06:30 AM (GMT+7)
Paracetamol là thuốc giảm sốt không cần kê đơn, người dân thường tự mua, tự uống khi đau đầu, sốt cao. Tuy nhiên mới đây, một chàng trai 22 tuổi (Sơn La) đã tử vong chỉ vì uống quá liều loại thuốc được cho là khá lành này.
Bình luận 0

Cấp tập uống 19 viên paracetamol

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol mà trung tâm tiếp nhận từ ngày 6.9 đã không qua khỏi.

img

Paracetamol cũng là thành phần có trong nhiều loại thuốc giảm đau, hạ sốt. Ảnh: Express 

Trẻ sốt trên 38,5 độ C mới nên dùng giảm sốt. Đồng thời, nếu cho con dùng thuốc giảm sốt đúng liều mà vẫn không giảm sốt thì nên chườm nước ấm cho con, cho con uống nhiều nước, mặc quần áo mỏng, phòng thoáng khí… Cha mẹ tuyệt đối không nên ủ ấm khi con đang sốt. Còn nếu con không thuyên giảm thì nên đưa đến viện”.

PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng

Bệnh nhân nam sinh năm 1995 (quê ở Sơn La) đã nhập viện trong tình trạng hôn mê, viêm gan rất nặng vì ngộ độc do dùng quá liều paracetamol trên nền bệnh viêm gan từ trước. Người nhà cho biết, trước khi nhập viện 2 ngày, bệnh nhân sốt cao không rõ nguyên nhân nên mua thuốc về hạ sốt. Nhưng do cơn sốt không giảm nên bệnh nhân liên tục uống thuốc hạ sốt mà không tuân theo chỉ định là 4-6 tiếng mới được uống giảm sốt một lần. Tổng cộng trong 2 ngày, bệnh nhân uống đến 19 viên thuốc paracetamol 500mg để hạ sốt. Sau đó bệnh nhân xuất hiện vàng da, mệt mỏi và được đưa vào viện.

Chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol dẫn đến suy gan trong khi đó bệnh nhân cũng có tiền sử viêm gan B. Còn nguyên nhân dẫn đến sốt cao có thể do nhiễm trùng. Tuy đã được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân không thuyên giảm, hôn mê gan và tử vong.

Theo bác sĩ Nguyên, dù thuốc paracetamol là thuốc không kê đơn nên người dân có thể tự mình mua uống khi đau đầu, sốt cao, tuy nhiên người dùng phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi uống, đảm bảo uống đúng liều, đúng thời gian quy định. Nếu cứ thấy sốt cao chưa giảm mà sốt ruột, uống cấp tập, uống quá liều thì ngộ độc rất dễ xảy ra. Bác sĩ Nguyên cho biết, khi ngộ độc paracetamol, nồng độ paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, khi ấy, chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan. Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp, đến thận gây suy thận, thậm chí thấm vào não khiến người uống bị hôn mê… Nếu sức khoẻ yếu, cùng với ngộ độc nặng thì có nguy cơ tử vong cao.

“Khi uống quá liều paracetamol hầu như mọi người không biết là mình bị ngộ độc. Chỉ khi rơi vào tình trạng mệt mỏi, vàng da thì mới đi viện và biết mình bị ngộ độc paracetamol” – bác sĩ Nguyên nói. 

Không quá 6 viên/ngày

Theo bác sĩ Nguyên, trên thị trường có nhiều loại thuốc giảm đau hạ sốt không cần kê đơn, tuy tên gọi khác nhau nhưng đều có hoạt chất paracetamol. Do đó, người dùng đều cần phải thận trọng, uống đúng liều theo hướng dẫn, chỉ định cách dùng, liều dùng.

“Ngộ độc paracetamol xảy ra rất nhanh, có thể chỉ sau vài giờ uống thuốc. Triệu chứng thường gặp là chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải. Sau 1 - 2 ngày, người bệnh có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu. Trong trường hợp nặng bệnh nhân kích động, mê sảng, suy hô hấp và có thể tử vong do suy đa tạng (thận, gan)” – bác sĩ Nguyên chia sẻ thêm.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, cho dù thuốc không cần kê đơn như paracetamol khá lành, ít gây tác dụng phụ như với điều kiện người dân phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, dùng đúng liều, đúng thời gian quy định. Theo đó, với người lớn khoẻ mạnh không nên dùng quá 3g paracetamol/ngày, tức là 6 viên paracetamol loại 500mg. “Đây là liều hãn hữu, dù người lớn khoẻ mạnh cũng không nên dùng quá nhiều như vậy. Còn đối với người có sức khoẻ yếu, lại có tiền sử viêm gan thì 3g paracetamol trên ngày cũng có thể gây ngộ độc. Liều an toàn nhất là 4 viên/ngày. Uống thuốc sau khi ăn” – bác sĩ Nguyên cho biết.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – chuyên gia nhi (nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi con bị sốt, cha mẹ thường rất sốt ruột, lo con bị co giật, bị mệt mỏi nên rất vội vã dùng thuốc giảm sốt cho con bằng đường uống hoặc thuốc đặt hậu môn. Tuy nhiên, do sốt ruột hạ sốt cho con nên nhiều cha mẹ đã dùng quá liều. Trước đó, khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận không ít trường hợp trẻ bị ngộ độc paracetamol dẫn đến rối loạn nhịp tim, rối loạn đông máu. Có người mẹ dùng cấp tập đến 3 viên thuốc đặt hậu môn để giảm sốt khiến con bị ngộ độc.

“Trẻ bị ngộ độc paracetamol sẽ cảm thấy mỏi hơn, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng suy gan biểu hiện ngày càng nặng nề như vàng da, gan to, xuất huyết và bệnh não do gan. Có thể có suy thận, bệnh cơ tim với suy tim và rối loạn nhịp tim” – PGS Dũng cảnh báo.

Theo PGS Dũng, dùng thuốc paracetamol phải chú ý đến trọng lượng cơ thể. Trung bình sử dụng 10 - 15mg paracetamol/kg thể trọng của trẻ. 4-6 tiếng uống một lần. Ngày uống 3-4 lần, tuy nhiên không quá 60mg/kg/ngày.

Nếu sau khi dùng thuốc giảm sốt mà thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, buồn nôn, da xanh tái, ngủ li bì thì phải đưa đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán, cấp cứu. Nếu ngộ độc thuốc mà để lâu thì có thể xảy ra nhiều biến chứng như suy tim, suy thận, suy gan và có thể tử vong. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem