Mỗi câu chuyện về Hồ Chủ tịch đều lay động trái tim mọi người

Lương Kết (thực hiện) Thứ sáu, ngày 02/09/2016 07:30 AM (GMT+7)
GS-TS Hoàng Chí Bảo (chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận TƯ) đã đi gần hết các tỉnh, thành trong cả nước để nói chuyện về Hồ Chủ tịch. Những câu chuyện kể về Bác của ông luôn làm lay động người nghe. Nhân 47 năm ngày Bác đi xa (ngày 2.9.1969-2.9.2016), GS đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt.
Bình luận 0

Thưa GS, có một thời kỳ ngày Bác Hồ qua đời được công bố khác so với thời gian thực, sau đó được đổi lại. GS có thể nói rõ hơn về việc này?

-   Vào năm 1989, lúc đó kỷ niệm 20 năm ngày Bác mất, Đảng ta có ra một Thông cáo rất đặc biệt. Tổng Bí thư lúc đó là ông Nguyễn Văn Linh đã ký Thông cáo này. Thông cáo đã nói rõ cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cũng như bầu bạn quốc tế sự thật ngày giờ qua đời của Bác Hồ.

Bác qua đời vào 9 giờ 47 phút 2.9.1969, tức là vào ngày Quốc khánh. Thông cáo cũng giải thích rõ tại sao trong Lễ truy điệu trọng thể Bác vào ngày 9.9.1969 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Đảng ta không thể công bố toàn bộ Bản di chúc của Bác, chỉ công bố một phần. Có nhiều điều Bác dặn lại trong di chúc do hoàn cảnh chiến tranh lúc bấy giờ nên chưa thể công bố.

Được biết GS là người thường xuyên được mời đi kể chuyện về Hồ Chủ tịch cho cán bộ, đảng viên, đồng bào ở khắp nơi. Đến nay ông có thể nhớ được đã đến bao nhiêu tỉnh, thành để kể những câu chuyện về Bác?

img

GS - TS Hoàng Chí Bảo người nói chuyện về Bác Hồ luôn gây được xúc động cho người nghe.

- Cùng với việc nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi đã có nhiều cuộc nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và đồng bào trong cả nước. Đến nay, tôi đã đi gần hết các tỉnh trong cả nước. Nước ta có 63 tỉnh, thành phố thì tôi đã có những buổi nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các cơ quan, đoàn thể của 55 tỉnh, thành. Ở những địa phương tôi chưa có dịp đến nói chuyện trực tiếp thì cán bộ, đồng bào cũng nghe qua băng ghi âm, ghi hình, các phương tiện truyền thông cũng đăng tải.

Có thể nói việc đó là niềm hạnh phúc lớn trong cuộc đời, vì được truyền bá tư tưởng, đạo đức về Bác trong đời sống xã hội của chúng ta. Vấn đề nữa là mỗi lần nói chuyện về Bác, chúng ta đều có động lực tinh thần để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn.

Mỗi lần GS nói chuyện về Bác Hồ, GS cảm nhận được những gì từ phía những người nghe. Họ đã để lại cho GS những ấn tượng gì?

-  Khi tiếp xúc với các đối tượng đông đảo trong xã hội, từ các vị lãnh đạo cấp cao, các vị lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, cho đến trí thức, thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, đồng bào theo đạo và cả kiều bào, tôi thấy một điều là tấm lòng của tất cả người Việt Nam chúng ta đối với Bác là rất chân thành.

Dường như ai nghe kể chuyện về cuộc đời của Bác, với những mẩu chuyện chân thực, cảm động, giản dị về cách ứng xử của Bác với mọi người, đều cảm nhận Người là một trí tuệ uyên bác, nhà văn hóa kiệt xuất, một con người vô cùng vĩ đại và giản dị.

Tại sao từ những em nhỏ, đến thanh, thiếu niên, người đã trưởng thành, rồi những người đã trải nghiệm trong cuộc sống qua những công việc khi nghe nói chuyện về Bác đều rất xúc động? Dường như mỗi người đều cảm thấy Bác truyền cho mình điều gì đó cao cả, thiêng liêng để phấn đấu sống, lao động, học tập theo gương Bác. Những câu chuyện về Bác rất dung dị đời thường nhưng đều chạm vào trái tim của mỗi người.

Rồi có lần tôi nói chuyện với những cựu chiến binh ngực áo đầy huân chương chiến công, khi nghe nói chuyện về Bác, tôi cảm nhận ở họ như được sống lại quá khứ chiến đấu hào hùng của dân tộc mà họ là người trong cuộc. Còn người trí thức khi nghe kể chuyện về Bác có thể tiếp nhận ở Người một khát vọng về tự do, dân chủ, năng lực sáng tạo...

Ai cũng có thể cảm nhận được những giá trị được truyền từ Bác qua những kinh nghiệm, trải nghiệm sống. Đó là cảm nhận chung mà tôi tiếp nhận được qua những đối tượng người nghe.

Sau những buổi nói chuyện về Bác Hồ tôi đều nhận được hồi âm. Có những bức thư của những cụ già 80, 90 tuổi, có những tâm tình của các bạn trẻ, có những lời trao đổi rất tâm huyết của các cán bộ lãnh đạo qua các thời kỳ.

GS đã bao giờ ra nước ngoài để nói chuyện về Bác Hồ chưa?

-  Thời gian gần đây tôi được các anh, chị ở Đại sứ quán Việt Nam ở Đức, Pháp, Cộng hòa Séc mời sang để có những buổi tiếp xúc với thanh niên, sinh viên, đồng bào ta ở nước ngoài, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nói chuyện về Bác ở nước ngoài, mà lại nói với người của dân tộc mình, Tổ quốc mình nên rất xúc động.

Tôi có cảm nhận một điều, ở đâu dù xa nhau về không gian, dù khác nhau về thời gian, khác nhau về sự từng trải, kinh nghiệm sống, trình độ nhưng ai ai cũng cảm nhận một điều là sự tự hào vì dân tộc chúng ta có Bác Hồ.

Là người nói chuyện về Bác Hồ rất cuốn hút, GS đã được gặp Bác Hồ để có được những ấn tượng sâu sắc về Người?

-  Tôi từng được vào gặp Bác Hồ khi còn thiếu niên quàng khăn đỏ, đó là vào những dịp Tết trung thu, Tết thiếu nhi ngày 1.6. Chúng tôi được vào thăm nơi ở của Bác và được nghe Người nói chuyện, những ấn tượng đó từ tuổi thơ đã bền chặt không bao giờ phai mờ.

Khi lớn lên với sự hiểu biết, trưởng thành hơn về mặt lý trí thì cảm xúc về Bác càng bền chặt hơn. Khi tôi đi vào nghiên cứu và giảng dạy về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì những tình cảm sâu đậm về Bác đã trở thành giá trị văn hóa và tạo cho tôi phong cách làm việc hiệu quả hơn.

GS có đánh giá gì về thế hệ trẻ hiện nay trong việc tìm hiểu những câu chuyện về Bác Hồ?

-  Tôi thấy lớp trẻ của chúng ta hiện nay đầy tiềm năng vì các em được sống trong bầu không khí đất nước đổi mới, nó có những môi trường rất thuận lợi để phát triển. Rất nhiều lần tiếp xúc với thanh, thiếu niên tôi thấy họ có nhu cầu văn hóa thực sự trong việc tìm hiểu, học tập về Bác.

Chỉ có điều chúng ta chưa tìm được phương pháp tốt để tác động đến họ. Tại sao lớp người trẻ sinh ra sau này bản thân họ không biết Bác là ai vì Bác đã mất cách đây 47 năm, thậm chí cả lớp cha, anh họ cũng không được trực tiếp biết Bác, thế nhưng họ vẫn có cảm xúc khi nghe kể những câu chuyện về Bác.

Tôi cho rằng đó là hiệu ứng, sự lan tỏa, nó bắt nguồn từ động cơ bên trong là đạo đức, tinh thần của họ khi muốn vươn tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp thì họ tìm đến Bác Hồ...

-  Xin cảm ơn GS.

“Tôi đã có những buổi nói chuyện về Bác với người khiếm thị, họ nghe tôi nói chuyện nhưng không nhìn được tôi, khi nhìn họ tôi cảm nhận được sự xúc động của họ từ trong trái tim. Có thể nói đây là điều ấn tượng sâu sắc nhất với tôi” - GS.TS Hoàng Chí Bảo

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem