Mối nguy từ chim yến nhiễm H5N1

Thứ tư, ngày 17/04/2013 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại cuộc họp bàn về dịch cúm gia cầm chiều qua (16.4), Cục Thú y (Bộ NNPTNT) nhận định, việc chim yến bị nhiễm virus cúm H5N1 có thể sẽ tạo ra mối nguy cho sức khỏe người dân.
Bình luận 0

 Mối nguy từ xác chim

Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, dịch cúm gia cầm vừa được phát hiện trên đàn chim trĩ 177 con tại tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh đó, đến nay đã có 4.000 con chim yến tại tỉnh Ninh Thuận chết vì cúm A/H5N1.

"Tất cả các mẫu thịt chim yến chết do các đơn vị lấy xét nghiệm, người dân gửi đến đều cho kết quả dương tính với cúm A/H5N1. Tuy nhiên, mẫu chim sống, phân và tổ chim yến lại cho kết quả âm tính".

Theo đó, các cơ quan chức năng đã lấy 180 mẫu chim yến sống, 120 mẫu phân và 144 mẫu tổ yến, nhưng đều có kết quả âm tính.

img
Đàn chim yến nhiễm cúm khiến cho nguy cơ lây nhiễm sang người rất cao.

Trả lời về việc đại diện tỉnh Ninh Thuận cho rằng, chưa thể kết luận có cúm H5N1 trên chim yến, ông Thành cho biết, các mẫu thịt chim yến chết do người dân lấy gửi đến Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, Viện Thú y, Cơ quan Thú y Vùng VI rồi Chi cục Thú y Ninh Thuận cũng lấy mẫu chim yến đều cho kết quả dương tính.

Trước hiện tượng này, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT kết luận, chim yến tại Ninh Thuận chết vì cúm A/H5N1. Bên cạnh đó, ông Thành lo ngại cho đàn chim yến ở các tỉnh Bình Thuận, Bình Phước, nếu bị lây lan thì rất khó kiểm soát.

Ông Thành nói: "Chim yến bay và kiếm ăn rất xa, vì vậy, khả năng phát tán virus bệnh, lây lan rất lớn. Trong khi đó, khả năng phòng chống dịch trên đối tượng này rất khó".

Ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú y cũng cho biết, ngay sau khi phát hiện chim yến mắc bệnh, chúng tôi đã đưa khu vực có chim yến chết vào ổ dịch để khoanh vùng. Ngoài ra, Cục Thú y đã chỉ đạo cơ quan thú y Vùng VI đưa ra quy trình phòng chống dịch bệnh với chim yến.

Sẵn sàng diệt chim yến để dập dịch

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết:

Chính phủ đã đồng ý mua 40 triệu liều vaccin cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp khi có dịch xảy ra. Ngoài ra, hiện đã có 30/60 địa phương ra quyếc định trích ngân sách để mua vaccin tiêm phòng dịch cúm gia cầm.

Cũng theo ông Thành, hiện vẫn có hiện tượng chim yến chết hàng ngày tại hộ gia đình ông Lâm Trọng Nhân, hộ ông Đỗ Văn Minh và hộ Nguyễn Mỹ Hải cũng ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) và dự báo nguy cơ dịch tiếp tục lây lan rất cao.

"Hiện chúng tôi đã trình lãnh đạo Bộ NNPTNT xem xét để có công điện về phòng chống cúm trên đàn chim yến từ Đà Nẵng trở vào"- ông Đàm Xuân Thành cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hôm nay, 17.4, Cục Chăn nuôi sẽ tiếp tục trình lãnh đạo Bộ xem xét ban hành Thông tư tạm thời quy định về quản lý nuôi chim yến. Trước đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng đã yêu cầu Cục Chăn nuôi phải hoàn thành Thông tư trên ngay trong ngày 15.4, song việc xây dựng Thông tư này hiện vẫn rất chậm chạp.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cũng cho biết, dịch cúm gia cầm H5N1 đã phát hiện trên chim yến và chim trĩ là những loài chim hoang dại có thể lây lan nhanh. Cũng theo ông Tám, các đơn vị của Bộ cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương bao vây các ổ dịch, tiêu hủy và dập dịch ở khu vực phát hiện đàn chim yến nhiễm bệnh.

"Hiện các cơ quan chức năng mới phát hiện cúm H5N1 ở phân chim và đang tiến hành xét nghiệm các mẫu ở tổ chim, chim sống. Vì thế, cần đưa đầy đủ thông tin cho người dân được biết, tránh gây hoang mang tới sản xuất và tiêu dùng sản phẩm từ chim yến".

Tuy nhiên, theo nhận định để diệt chim yến hiện không phải dễ, bởi theo ông Kỳ, chim yến hiện được người dân chăn nuôi hoang dã theo phương thức dẫn dụ nên rất khó kiểm soát, do đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ có thông tư mới về chăn nuôi, quy trình tiêu độc khử trùng chuồng trại.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường giám sát ở tất cả các loài chim nuôi và chim hoang dã để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những nguy cơ các loài chim khác có thể lây nhiễm H5N1", ông Kỳ khẳng định. 

Không phát hiện virus H7N9

Thời gian qua, Cục Thú y đã chỉ đạo Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư rà soát lại toàn bộ 500 mẫu gia cầm nhập lậu, mẫu gia cầm tại các chợ đã được lấy từ tháng 9.2012 đến nay để tiến hành xét nghiệm bổ sung tìm virus cúm A (H7N9). Hiện đã xét nghiệm được 151 mẫu lấy từ Lạng Sơn, Hưng Yên, Tuyên Quang, Cao Bằng.

Kết quả cho thấy, 100% mẫu này âm tính với virus cúm A (H7N9). Còn kết quả giám sát các mẫu gà thải loại nhập lậu Trung Quốc của Cục Thú y cho thấy, các mẫu thịt lấy tại chợ Hà Vĩ, ở biên giới các tỉnh phía Bắc có đến 46,2% dương tính với virus cúm A/H5N1.

Đặc biệt, 95% số mẫu có phát hiện tồn dư kháng sinh, hóa chất độc hại bao gồm cả hooc-môn, kích thích tăng trưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem