Món ngon ngày Tết đi Tây

Thứ hai, ngày 24/01/2011 17:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tết đến, nhiều làng nghề chế biến thực phẩm lại có dịp để cho bàn dân thiên hạ biết về “ngón nghề” của mình. Nhiều món ẩm thực tưởng đã mai một, nay được khôi phục lại...
Bình luận 0

Làm bánh lớn xuất khẩu

img
 

Những ngày giáp Tết, làng bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) càng trở nên tất bật. Những mẻ bánh phục vụ mâm cỗ của người trong nước và theo những chuyến bay ra nước ngoài lần lượt ra lò.

Cô thợ rửa lá Nguyễn Thị Hoà, 22 tuổi, ngồi tỉ mỉ lau từng nếp lá dong, vui vẻ cho biết: Năm nay, nhà em cũng xuất bánh sang Ba Lan. Khác với bánh bán trong nước, loại bánh xuất khẩu làm to hơn, gồm 6 lạng gạo nếp, 2 lạng đỗ xanh và 2 lạng thịt 3 chỉ.

Thấy bảo người Việt mình ở nước ngoài cũng tổ chức Tết truyền thống, còn mời cả mấy bạn Tây ăn cùng. Năm trước bánh nhỏ (4 lạng gạo), có ông Tây ăn hết cả cái vẫn thòm thèm nên năm nay nhà em quyết định làm bánh to hơn.

Cũng đang dồn sức cho vụ Tết năm nay, ông Lý Văn Thanh - chủ một cơ sở bánh chưng vào loại nhất nhì ở Tranh Khúc cho biết: Những năm trước, phải sau 23 tháng Chạp, làng bánh mới vào vụ. Nhưng năm nay rét đậm, nhận nhiều hàng nên từ ngày 20, cả làng đã đỏ lửa.

Theo dự báo, từ giờ đến Tết, thời tiết vẫn rét đậm, rét hại, bánh chưng của Tranh Khúc ra lò sớm vài ba ngày cũng không ảnh hưởng gì.

 

Nhiều người cứ nghĩ làm nhiều bánh sẽ kém về chất lượng, nhưng chúng tôi lại nghĩ khác. Cả năm mới có một cái Tết, bánh mình gói bán cho khách họ về cúng ông bà ông vải, bánh mà bị ôi thiu thì sang năm ai còn tin chúng tôi nữa. - Ông Lý Văn Thanh

Ông Thanh cho biết thêm: “Nhiều người cứ nghĩ làm nhiều bánh thì sẽ kém về chất lượng, nhưng người Tranh Khúc chúng tôi lại nghĩ khác. Cả năm mới có một cái Tết, bánh mình gói bán cho khách, họ về cúng ông bà ông vải, bánh mà bị ôi thiu thì sang năm ai còn tin chúng tôi nữa. Nên dù gì chúng tôi cũng phải chọn nguyên liệu tươi ngon nhất, trổ hết tay nghề đề gói những mẻ bánh thơm nhất, rền nhất và dẻo nhất”.

Khôi phục nem Bùi

Ông Nguyễn Văn Thành, người làng Bùi (xã Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh) ngày nào cũng xay một mẻ thính 5kg để thúc vào cối nem truyền thống của làng. Ông Thành kể: Trước kia nem làng Bùi được chọn để tiến vua, thời Pháp các quan Tây cũng nghiện món này, nhưng đến thời bao cấp thì nem làng Bùi bị mai một.

Thời bao cấp, cứ Tết đến là cả làng lại thịt lợn theo đội sản xuất, cái giống lợn lai kinh tế không thể làm được món nem Bùi, vì thịt vừa xơ lại hôi. Nguyên liệu làm món nem Bùi phải là giống lợn ỉ đen, lưng gẫy hình yên ngựa, mõm ngắn nuôi bằng cám gạo và bèo cái, hoặc rau chuối.

Cả con lợn thịt ra cũng chỉ lấy được 2 cái thăn và phần mỡ gáy để làm nem. Công đoạn làm thì phải dùng thịt thái chỉ, rồi gia giảm tỏi, ớt, dấm chua bóp với thính gạo xay, nắm thật chặt rồi gói lại bằng lá chuối. Sau 3 ngày nem tự chín, lúc đó mới ăn được.

Ông Thành kể, cách đây 6 năm, có 3 ông Tây gần 90 tuổi tìm về làng để được ăn lại thứ nem mà trước kia họ đi lính cho Pháp được ăn một vài lần. Tuy nhiên, do khi ấy nghề làm nem đã mai một nên họ đã gửi lại tiền đặt người làng Bùi nuôi lợn làm nem. Tết Canh Dần vừa rồi, nhà ông Thành đã xuất 40kg nem Bùi sang Pháp. Năm nay, họ yêu cầu làm nhiều hơn, nhưng cố gắng lắm, cả làng cũng chỉ làm được hơn 1 tạ.

Không chỉ mấy ông khách Tây sành ăn, mà bây giờ đám cỗ của các nhà khá giả trong vùng cũng dùng nem Bùi. Từ đó, món nem Bùi đã được khôi phục, sau gần 40 năm thất truyền. Tết đến nhiều nhà lại rang, xay thính để thúc nem cho kịp phục vụ cả khách ta lẫn Tây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem