Một người tử vong vì uống chè dây không rõ nguồn gốc

Diệu Thu Thứ tư, ngày 29/07/2015 14:36 PM (GMT+7)
Một người đàn ông 72 tuổi vừa tử vong tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương do uống chè dây không rõ nguồn gốc.
Bình luận 0

Ngày 29.7, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, Khoa vừa tiếp nhận một người ngộ độc chè dây, sau đó người này tử vong.

img

Chè dây không rõ nguồn gốc thường được bán ở khu du lịch vùng núi phía Bắc

Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi xảy ra sự việc, gia đình được một người thân đi Sa Pa về và biếu một gói chè dây. Cả nhà cùng uống nhưng cụ ông 72 tuổi uống nhiều nhất.

Ngày 20.7, bệnh nhân 72 tuổi nhập viện tại Hải Phòng trong tình trạng mệt mỏi, vàng da, vàng mắt. Tại đây, bệnh viện kết luận người đàn ông này bị suy gan. Lập tức, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Bệnh nhân nhập viện trong trạng thái lơ mơ, hôn mê, mắt vàng đậm, suy gan, tan máu. Sau 2 ngày nhập viện, bệnh nhân tử vong.

Theo bác sĩ Cấp, hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã gửi mẫu chè dây bệnh nhân đã dùng để xét nghiệm. Đây là trường hợp đầu tiên uống chè dây bị ngộ độc.

Được biết, chè dây thường được người dân bán trôi nổi tại các khu du lịch. Hiện nhiều người săn lùng mua nên không loại trừ người hái nhầm lẫn các loại cây khác.

BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, uống phải những loại lá trôi nổi, dùng hóa chất bảo quản, chế biến chống ẩm mốc có thể ngộ độc

img

BS Nguyễn Trung Cấp cảnh báo người dân không nên uống lá cây trôi nổi

Ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, nguyên nhân ngộ độc thuốc dược liệu trôi nổi có thể do người bán sao tẩm không đúng cách. Cạnh đó, ngộ độc cũng có thể do uống quá liều.

“Nhiều người lầm tưởng cứ thuốc đông y là bổ và vô hại nên uống một cách lung tung không theo hướng dẫn của thầy thuốc, lạm dụng uống quá nhiều nên có thể gây ra ngộ độc” - ông Hướng nói.

Thống kê của Viện Dược liệu cho thấy hiện 30% dược liệu đang lưu hành chứa nấm mốc, nhất là aflatoxin. Độc tố này có trong dược liệu gây tổn thương gan, ung thư gan. Có những loại độc tố không bị diệt ở nhiệt độ cao (ngay cả khi đun lên tới 200 độ C), do đó khi sắc thuốc độc tố vẫn còn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem