Nắng nóng, mưa đá, sấm sét đến sớm: Báo hiệu mùa thiên tai khó lường ở miền Bắc?

Triệu Quang Thứ tư, ngày 20/02/2019 00:25 AM (GMT+7)
Dù chưa đến mùa chuyển giao thời tiết từ lạnh sang nóng nhưng miền Bắc đã hứng những trận mưa dông, sấm sét cùng những trận mưa đá xối xả.
Bình luận 0

img

Trận mưa đá kéo dài gần 1h đồng hồ ở Mù Cang Chải (Yên Bái) chiều tối 16/2.

Suốt từ Tết Nguyên đán 2019 đến giữa tháng 2/2019, dù đang trong mùa đông – xuân nhưng thời tiết ở miền Bắc phổ biến nắng nóng. Có những ngày nắng nóng đến hơn 30 độ C khiến nhiều người ngỡ đang trong mùa hè.

Nguyên nhân chính gây ra trạng thái thời tiết nóng này, là do khối không khí lạnh chi phối thời tiết Bắc Bộ suy yếu và không có đợt không khí lạnh tăng cường nào bổ sung. Ngoài ra, một khối không khí nóng ở phía Tây phát triển và tác động đến thời tiết các tỉnh miền Bắc khiến cho tình trạng nóng kéo dài.

Sau nhiều ngày nắng nóng, chiều 16 đến hết đêm 17/2, ở các tỉnh Bắc Bộ đã xảy ra đợt mưa dông trên diện rộng kèm dông lốc, gió giật mạnh và mưa đá ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.  

Lý giải nguyên nhân của đợt mưa dông, sấm sét và mưa đá này, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia) cho hay, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục 24-26 bị đẩy dịch về phía Nam bởi một khối không khí lạnh từ phía Bắc, kết hợp với hội tụ trong rãnh gió Tây trên cao.

Đồng thời, nền nhiệt độ chung ở các tỉnh Bắc Bộ trong thời gian qua khá cao, cộng thêm độ ẩm lớn trong khí quyển đã tạo điều kiện thuận lợi cho mưa dông phát triển mạnh nên từ tối 16/2, ở Tây Bắc và vùng núi Bắc Trung Bộ đã có mưa rào và dông.

Từ ngày 17/2, vùng mưa mở rộng ra toàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trọng tâm mưa lớn là Việt Bắc và Đông Bắc với lượng mưa phổ biến 30-70mm, một số nơi cao hơn như Tuyên Quang 73mm, Tam Đảo 89mm, Bảo Lạc (Cao Bằng) 73mm, Quảng Hà (Quảng Ninh) 86mm...

Dông kèm lốc xoáy gây gió giật mạnh, mưa đá đã xảy ra ở vùng núi Bắc Bộ, cụ thể ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa, Tp. Lào Cai và Bát Xát (Lào Cai), Sơn La, Thái Nguyên đã ghi nhận được mưa đá...

Theo ông Năng, dông lốc, mưa đá ở nước ta xảy ra cao điểm vào thời kỳ từ tháng 3-5 hàng năm, khi có sự chuyển biến thời tiết từ mùa lạnh sang mùa nóng, mùa khô sang mùa mưa.

“Năm 2019, mưa đá xuất hiện ngay giữa tháng 2 này báo hiệu về thời kỳ mưa dông với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc xoáy, gió giật mạnh, sét, mưa đá… đã đến rất gần.

img

 Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia).

Thêm nữa, với nền nhiệt độ đang có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng gần đây sẽ là điều kiện nhiệt lực góp phần cho chúng ta dự đoán về một mùa thiên tai sẽ diễn ra khó lường, phức tạp trong thời gian tới”, ông Năng chia sẻ.

Để chủ động ứng phó với mùa mưa, dông, lốc, sét, mưa đá sắp tới, ông Năng khuyến cáo người dân và chính quyền địa phương cần chú ý theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ các cơ quan hữu quan.

Trên cơ sở thông tin dự báo, cảnh báo đó các cấp chính quyền địa phương cần chủ động xây dựng các phương án lao động, sản xuất, sinh hoạt phù hợp với từng thời đoạn thiên tai, từng loại hình thiên tai cho người dân. Các cơ quan hữu quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức khí tượng thủy văn và cách thức phòng chống thiên tai đến từng người dân, cộng đồng.

Clip: Trận mưa đá kinh hoàng gần 1h đồng hồ trút xuống Mù Cang Chải

Một cơn mưa đá kéo dài gần 1h đồng hồ đã trút xuống trắng trời trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem