Ngày kiếm tiền triệu, dân ào ào săn “con cường dương” bán sang Trung Quốc

Thứ tư, ngày 25/06/2014 16:23 PM (GMT+7)
Mỗi kg giun tươi thương lái thu mua tại chỗ giá 50 ngàn đồng. Mỗi ngày bình quân một “thợ săn” kiếm được trên chục kg. Có gia đình đi cả nhà ra Huế làm nghề này, kiếm tiền triệu/ngày.
Bình luận 0

Những tháng gần đây, hàng trăm “thợ săn” từ các tỉnh phía Nam đổ về tỉnh Thừa Thiên- Huế tìm bắt loài địa sâm (dân địa phương gọi là giun biển) để cung cấp cho thương lái bán sang Trung Quốc. Mỗi kg giun tươi thương lái thu mua tại chỗ giá 50 ngàn đồng. Mỗi ngày bình quân một “thợ săn” kiếm được trên chục kg.

Buổi trưa cuối tháng 6, nắng như đổ lửa. Vùng nuôi tôm cao triều tại thôn 4, xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, TT- Huế) nhộn nhịp hẳn lên bởi đội quân săn giun biển. Họ là những thợ săn giun đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam.

img
Lợi nhuận cao, khiến nhiều hộ dân ở các tỉnh đổ về TT- Huế khai thác giun biển

Đã hơn một tuần nay, những người này thuê một nhà kho của cơ sở nuôi trồng thủy sản cũ ở thôn 4 để ở, càn quét săn lùng giun biển từ huyện Phú Vang ra Hương Trà, Quảng Điền và cả ra ngoài tỉnh Quảng Trị.

Anh Nguyễn Ngọc Hơn (trú xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) cho biết, anh làm nghề này đã hơn chục năm nay. Trước đây, anh em khai thác nhiều ở đầm Thị Nại, thời gian gần đây do lượng người bắt giun biển ngày một đông, hàng khan hiếm dần nên anh cùng những người trong xã ra tỉnh TT- Huế để tìm bắt. Có cả thương lái đi theo thu mua, đưa ra các tỉnh phía Bắc để bán sang Trung Quốc.

Cũng theo anh Hơn, mùa “săn” giun biển một năm chỉ tiến hành từ tháng 4 đến tháng 8, khi mực nước triều hạ, lộ ra những vùng cát bãi bồi ven cửa phá, cửa biển. Mỗi kg giun tươi thương lái thu mua tại chỗ giá 50 ngàn đồng. Mỗi ngày bình quân một “thợ săn” kiếm được trên chục kg. Có gia đình đi cả nhà ra Huế làm nghề này, kiếm tiền triệu/ngày.

img Đào giun biển, để lại hố trên bãi bồi, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản

Dụng cụ bắt chủ yếu là cây thuổng bằng sắt. Người bắt chỉ nhìn lỗ trên vũng bùn, đoán hang của loài giun biển sau đó đào. Công đoạn đào diễn ra rất nhanh, nếu đào chậm giun biển sẽ luồn mất.

Buổi trưa, triều hạ (nước rặt), vùng nuôi tôm cao triều tại thôn 4, xã Quảng Công hiện ra bãi bồi rộng mênh mông. Hơn 30 người tay cầm thuổng, giỏ xách ra quần thảo trên bãi bùn, cứ mỗi con giun biển được kéo lên khỏi hang, để lại cả một hố nham nhở bùn cát.

Ông Đào Văn Sáu, một người đi theo nhóm “thợ săn” cho biết, trước đây khi mới ra vùng phá ven huyện Quảng Điền, giun biển nhiều vô kể, chỉ đánh bắt trong cỡ vài tiếng là được vài chục cân. Giờ thì ít hơn do người bắt nhiều quá. Dân địa phương ở đây thấy bán được giá cũng có người theo học nghề này.

--------

Còn tiếp

(Theo Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem