Nghệ An: Tổng cục Thủy lợi kiểm tra các hồ chứa, chủ động phương án xả lũ

Cảnh Thắng Thứ năm, ngày 16/08/2018 18:56 PM (GMT+7)
Do diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, ngày 16.8, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) đã tiến hành kiểm tra tình hình các hệ thống thủy nông và các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Bình luận 0

Theo báo của của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn có 2 hệ thống thuỷ nông lớn (hệ thống thuỷ nông Bắc và hệ thống thuỷ nông Nam) với hơn 625 hồ chứa, 427 đập dâng cùng hàng trăm trạm bơm điện, cống tưới, tiêu lớn nhỏ.

Từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh Nghệ An, Sở NNPTNT Nghệ An và các địa phương mới tiến hành sửa chữa nâng cấp trên 150 hồ, hiện vẫn còn khoảng 500 hồ chưa có kinh phí để triển khai.

Qua rà soát thực tế cho thấy, tình trạng an toàn hồ đập trên địa bàn thật sự đáng lo ngại. Phần lớn các cống lấy nước dưới đập đều gặp sự cố (bị rò nước ở mang, bục hoặc kẹt cửa cống, sập vòm cống...). Nhiều công trình hồ, đập bằng đất xây dựng đã lâu (những năm 70 – 80) nên chất lượng không đảm bảo, rất nguy hiểm cho người dân mỗi khi mùa mưa bão về.

Mới chỉ có Hồ Vực Mấu đáp ứng được theo tiêu chí của WB về tần suất lũ kiểm tra 0.01%, tuy nhiên, tại khu vực cống lấy nước của công trình này đang gặp sự cố nhưng vẫn chưa được sửa chữa.

img

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ hơn 10 ngày nay, khiến nước sông Lam ở Nghệ An dâng cao. Ảnh: Cảnh Thắng

Từ thực tế trên, ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đề nghị Tổng Cục Thủy lợi bố trí, hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp 57 hồ chứa xung yếu với tổng kinh phí thực hiện gần 537 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ưu tiên 1 gồm 7 công trình với tổng vốn đầu tư 107 tỷ đồng, còn lại dành cho nhóm ưu tiên 2 với 50 công trình.

Sau khi kiểm tra tình hình ở công trình Cống Diễn Thành và hồ Vực Mấu, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị địa phương cùng các đơn vị liên quan phải tập trung triển khai đúng nội dung công điện Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai.

Đối với các hồ chứa lớn có cửa van điều tiết, phải chủ động hạ thấp nguồn nước để chống lũ, đồng thời phải thường xuyên theo dõi thông tin khí tượng thủy văn, đặc biệt là lượng mưa để tính toán xả lũ một cách hợp lý, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, đồng thời không gây ngập úng vùng hạ du.

Những hồ chứa nhỏ, thân đập được xây dựng bằng đất, trong trường hợp nước dâng cao, nếu phát hiện thấy sự cố thì khẩn trương mở rộng thêm các khoang tràn xả lũ. Với các hồ chứa xung yếu có nguy cơ mất an toàn, tuyệt đối không được tích nước hoặc tích nước hạn chế để đảm bảo an toàn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem