Nghẹn ngào tiễn đưa Đại tướng

Thứ hai, ngày 14/10/2013 10:22 AM (GMT+7)
Đến những giây cuối cùng trong sáng 13.10, khi linh xa đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời Hà Nội để trở về đất mẹ Quảng Bình, quân, dân thủ đô vẫn không kìm nén được cảm xúc tuôn trào.
Bình luận 0
Đại tướng là cha

Sáng 13.10, mới hơn 6 giờ, nhưng tại ngã 6 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông - Hàn Thuyên, dòng người từ bốn phía đã đổ về đông đúc. Khu vực này vừa có màn hình lớn, cũng là nơi đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng đi qua nên nhiều người dân chọn đứng chân để tiễn biệt. Nhiều cụ ông, cụ bà hơn 80 tuổi cũng cố gắng ra đây từ sớm để đón chờ thời khắc tiễn biệt Đại tướng.

img


Giữa biển người đang hướng lên màn hình, chị Nguyễn Thị Hải (43 tuổi, ở Văn Yên, Yên Bái) và nhiều người đã bật khóc khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Điếu văn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chị Hải khăn gói về Hà Nội từ 2 ngày nay, ở thuê nhà trọ để được trực tiếp tiễn biệt Đại tướng.

Lộ trình của linh xa đưa Đại tướng ra sân bay Nội Bài luôn chật kín người ở hai bên đường. Ai cũng muốn được tiễn biệt Đại tướng lần cuối.

Chợt nhớ, trong bài thơ “Vĩ nhân” của tác giả Phạm Thạch Hoàng được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu trên trang cá nhân, có những vần thơ đầy lay động: “Sống làm nhân, chết hóa thần/Có những con người trở thành bất tử/Sẽ sống mãi với nhân dân trong từng trang sử/Bởi đơn giản là họ đã sống trọn vì dân/…Vĩ nhân là ai, vĩ nhân chính là người/Vĩ nhân là ai, vĩ nhân giản đơn thôi/Người vĩ đại trong những tầng giản dị/Người cao sâu mà bình dân triết lý”.

Đại tướng đã trở thành vĩ nhân, thành huyền thoại chính vì sự vĩ đại xuất phát từ lòng yêu nước, yêu nhân dân.

Khi đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng lăn bánh qua ngã 6 Trần Hưng Đạo, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Hồ Gươm… biển người như muốn ào ra níu giữ lại. Cụ bà Phạm Thị Đào (85 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) không nén được xúc động đã khóc to gọi Đại tướng là cha. Hai bên hè phố nơi đoàn xe đi qua dòng người nghẹn ngào đứng chắp tay thành kính, những giọt nước mắt lăn trên gò má của nhiều cụ bà, cụ ông, các cựu chiến binh và không ít bạn trẻ… Linh cữu đi khỏi những tiếng gọi gần như đồng thanh “Đại tướng ơi”.

Đứt từng khúc ruột

Giáo sư Vũ Khiêu tuổi đã cao, nhưng như bao người khác, ông dậy từ sớm rồi hòa vào dòng người đi viếng Đại tướng. Vào nhà tang lễ trên chiếc xe lăn, Giáo sư nghẹn ngào: “Mấy hôm nay tôi khóc anh Văn, đau như đứt từng khúc ruột”.

Sự hẫng hụt là điều không tránh khỏi. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 tâm sự: “Tôi đến viếng Anh Cả, cũng thắp hương thay vợ đang ở nhà. Bà ấy bị liệt, nằm một chỗ, không đi viếng Đại tướng được. Từ lúc biết tin Đại tướng qua đời, ngày nào bà ấy cũng khóc thương”.

Trên mạng facebook?trong 2 ngày 12, 13.10, nhiều người đổi hình nền cá nhân thành quốc kỳ có viền đen để thể hiện niềm tiếc thương vô hạn với Đại tướng. Blogger Bùi Thành Nam viết: “Phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ, nhưng không ai than vãn lấy một lời. Điều đó thể hiện văn hóa và niềm yêu mến, kính trọng của người dân với vị Đại tướng huyền thoại của chúng ta”.

Ở căn nhà số 30 phố Hoàng Diệu tới tận trưa 13.10, linh cữu Đại tướng đã ra sân bay để về với đất mẹ, vẫn còn rất nhiều người thắp những nén tâm hương, dâng hoa viếng Đại tướng, có người còn cất tiếng hô: “Đại tướng muôn năm”.

Cụ Nguyễn Thị Vân (85 tuổi), nhà ở phố Hàng Lược vái vọng bên ngoài nhà Đại tướng rồi nói với chúng tôi mà như tâm sự với chính mình trong thảng thốt: “Đại tướng đi thật rồi sao?”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi trong dòng nước mắt nối nhau khóc vì một huyền thoại bất tử. Nhưng người Hà Nội không chỉ khóc thương mà còn tự hào về Đại tướng.

Như lời của ông Võ Điện Biên, con trai trưởng của Đại tướng đã phát biểu: “Đại tướng cả đời vì nước vì dân và lúc mất đi, chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của hàng trăm, hàng chục triệu người dân nước Việt”.

Sự mất mát là không thể bù đắp, nhưng đồng thời cũng là thời khắc để mỗi người biến đau thương thành hành động, như lời cảm ơn và cũng là tâm nguyện của gia quyến Đại tướng với nhân dân cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng.

Tiễn biệt vị tướng “dĩ công vi thượng”, người Hà Nội sẽ mãi nhớ và kính yêu vị tướng của nhân dân. Khóc thương Đại tướng, mọi người như xích lại gần nhau hơn và cùng sẻ chia nỗi đau chung. Khí chất, phong thái và cuộc đời vĩ đại trong sự giản dị, gần gũi của Đại tướng là những bài học vô giá, để mỗi người tự nỗ lực hơn nữa, sống tốt hơn nữa, khi tinh thần của Đại tướng đã hòa vào lòng dân.

Lương Kết- Long Nguyên (Lương Kết- Long Nguyên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem