Nghỉ học phòng virus corona hết tháng 3 chỉ là giải pháp thụ động

Hà My - Ong Lý Thứ năm, ngày 20/02/2020 19:00 PM (GMT+7)
Đó là nhận định của TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trước đề xuất cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 của UBND TP.HCM.
Bình luận 0

Trước thông tin UBND TP.HCM đề xuất kéo dài thời gian nghỉ của học sinh, sinh viên thêm 1 tháng (hết tháng 3) nữa so với hiện tại để phòng dịch virus corona (Covid-19), có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến phản đối.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhận định hiện tại, việc nghỉ học kéo dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy đối với ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Đơn cử như việc thay đổi lịch thi, thay đổi nếp sinh hoạt hàng ngày của học sinh, phụ huynh, tạo ra sức ì cho học sinh…

“Thực tế, việc cho học sinh nghỉ học hiện tại đang là biện pháp “cầm hơi”, thụ động của các nhà quản lý để đối phó ngắn hạn với dịch virus corona. Tôi cho rằng để UBND TP.HCM đưa ra kiến nghị cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 là vô cùng khó khăn đối với bất kỳ bộ máy lãnh đạo nào trong thời điểm hiện tại. Bởi xác định cho học sinh nghỉ thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các hoạt động khác của xã hội. Tuy nhiên, rõ ràng UBND đã có sự tư vấn của Sở GDĐT, Sở Y tế nên mới có thể đưa ra được kiến nghị đó theo tình hình thực tiễn”, ông Khuyến nhận định.

img

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học.

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng cần phải tìm giải pháp “sống chung với dịch”, bởi không ai có thể khẳng định rằng hết tháng 3, dịch virus corona (Covid-19) sẽ được ngăn chặn, hoàn toàn không có rủi ro bùng phát.

“Mới đây, Hiệp Hội Các Trường Đại Học - Cao Đẳng Việt Nam đã gửi đơn lên Thủ tướng để kiến nghị phục hồi việc dạy học trên truyền hình cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học. Nền tảng truyền hình của đất nước hiện tại đang rất tốt, độ phủ sóng cao tới vùng sâu, vùng xa.

Nhiều kênh truyền hình có thể cùng tham gia, các Sở GDĐT cũng sẽ chọn giáo viên giỏi, tiêu biểu. Còn học sinh có thể ngồi ở nhà hoặc học theo nhóm. Đối với các phần học sinh chưa hiểu, các em có thể gọi điện hỏi thầy cô giáo trong trường đang trực bộ môn ngay lập tức, nên không sợ bị trôi kiến thức. Theo TS Khuyến, giảng dạy trực tuyến là xu hướng chung của toàn thế giới, các trường học Việt Nam cũng nên theo, thay vì sử dụng hoàn toàn phương thức truyền thống hiện nay.

Đặc biệt, nếu giải pháp này được triển khai, TS. Khuyến cho rằng sau này, nếu học sinh buộc phải nghỉ học dài ngày vì các thiên tai, địch họa thì đều có thể áp dụng.

img

Giảng viên trường đại học giảng dạy trực tuyến mùa dịch.

Dưới góc độ kinh tế,  PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho việc, việc học sinh nghỉ học quá dài có tác động không nhỏ đến nền kinh tế.

Theo ông Long, việc này sẽ có tác động đến chuỗi cung ứng, dịch vụ liên quan đến ngành giáo dục. “Việc học sinh nghỉ dài hay ngắn, lâu hay dài phụ thuộc vào công tác phòng chống dịch bệnh. Nghỉ học dài có thể sẽ ảnh hưởng đến các dịch vụ tiêu dùng, cung ứng cho ngành này tạm thời tê liệt, thậm chí đứt gãy”, ông Long nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, khi học sinh nghỉ học, phụ huynh cũng bị kéo theo, phải ở nhà trông con, công việc, tiền lương cũng bị ảnh hưởng theo. “Trường học đóng cửa, nhiều nữ công ở các doanh nghiệp lớn như Samsung phải ở nhà trông con. Từ đó, tiền lương có thể bị cắt giảm vì không đáp ứng được công việc, thậm chí có thể bị mất việc làm. Vì vậy ảnh hưởng tới việc sản xuất của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI”, ông Long nói.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Long, việc kéo dài thêm thời gian là cần thiết bởi dịch bệnh diễn biến khó lường. “Như Thủ tướng đã nói, tính mạng con người là trên hết dù có thiệt hại đến kinh tế, chúng ta vẫn phải chấp nhận”, ông Long nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem