Nghỉ Tết Nguyên đán 2017: Tranh cãi kịch liệt ngắn, dài

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 24/10/2016 14:00 PM (GMT+7)
Về ý kiến nghỉ Tết ngắn để tránh ảnh hưởng đến năng suất lao động đang được bàn cãi, ngày 24.10, ông Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, nếu nghỉ ngắn mà sau đó tiếp diễn tình trạng đi giao lưu, chúc tụng, lễ chùa thì vẫn ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Bình luận 0

Theo ông Bình, tâm lý chung của người lao động thì ai cũng muốn nghỉ tết dài dài. “Tuy nhiên, việc nghỉ tết dài khiến cho việc khởi động nhịp điệu làm việc của các cơ quan công quyền, các đơn vị cung cấp dịch vụ công bị thay đổi và chất và tính sẵn sàng chậm đi. Bên cạnh đó thời gian nghỉ dài cũng ảnh hưởng tới năng suất lao động trong nhóm doanh nghiệp”, ông Bình nói. Ông Bình khẳng định, quan điểm nghỉ dài ảnh hưởng đến công việc chỉ đúng với các cơ quan cung cấp dịch vụ công thôi, chứ khu vực cán bộ, công nhân viên, công nhân lao động quê ở xa, bản thân họ muốn có thời gian nghỉ dài để giải quyết các công việc gia đình, có thêm thời gian thăm hỏi người thân sau 1 năm “cắm mặt” làm việc.

img

Người lao động muốn nghỉ dài để có thời gian dành cho gia đình sau một năm làm việc bận rộn. (Ảnh minh họa Minh Nguyệt)

“Thực tế cho thấy, dù có cho lao động nghỉ tết ngắn, 5 hay 7 ngày, để họ đi làm xen kẽ với ngày nghỉ thì năng suất lao động, chất lượng công việc cũng chưa chắc được tăng cao. Thậm chí sẽ vẫn tiếp diễn tình trạng giao lưu, chúc tụng, đi lễ chùa… Chính vì vậy, ngoài việc quy định ngày nghỉ tết, cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp giám sát chặt chẽ việc cán bộ công chức đi làm lại sau tết nhằm nâng hiệu suất công việc. Theo tôi, chuyện nghỉ 7 ngày hay 10 ngày không quyết định. Mà quyết định ở thái độ ý thức của đối tượng làm việc chứ không phải là hình thức ngày nghỉ” - ông Bình bày tỏ quan điểm.

Mới đây, Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐTBXH) đã thảo xong phương án để lấy ý kiến các bộ nghành trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó Bộ LĐTBXH đưa ra 2 phương án nghỉ Tết là 7 ngày và nghỉ 10 ngày. Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) Thắng cho biết, quan điểm của Bộ LĐTBXH nghiêng về phương án nghỉ tết 7 ngày vì nghỉ dài ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh. Đồng quan điểm, ông Mai Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Hải Dương  kiến nghị chỉ nên nghỉ tết 7 ngày. Vì nghỉ dài, doanh nghiệp phải tăng ca cho kịp tiến độ đơn hàng, phải bồi dưỡng thêm, tiền lương, tiền công cho lao động cũng cao hơn. Năm 2016 vì lịch nghỉ tết dài nên đối tác ép công ty phải giao hàng trước tết. Chính vì vậy công ty phải tăng ca liên tục, bắt công nhân làm đêm làm hôm, rất mệt mỏi, nguy hiểm.

Ông Bùi Sĩ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, Việt Nam là quốc gia có số ngày nghỉ lễ, tết dài nhất. Chỉ tính riêng các ngày nghỉ 30.4, 1.5 rồi 2.9… là lao động cũng đã được nghỉ khoảng chục ngày. Giờ tết mà lại nghỉ dài nữa thì sẽ rất bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. “Quan điểm của tôi là không nên nghỉ tết quá dài bởi điều này sẽ làm ách tắc đến sản xuất, tạo khó khăn cho doanh nghiệp và giảm năng suất lao động. Thời gian 7 ngày cũng là đủ để người lao động di chuyển, cũng như thăm hỏi nhau trong dịp tết”, ông Lợi nói. Theo ông Lợi, việc nghỉ dài cũng không có lợi cho người lao động. Vì sau khi nghỉ dài rồi quay lại với công việc, người lao động thường uể oải, không muốn làm việc. Ngoài ra, nghỉ dài, thu nhập của người lao động cũng giảm.

Trong khi đó, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, nên nghỉ Tết 10ngày bởi điều này có thể giúp kích cầu tiêu dùng, du lịch; đồng thời đỡ tạo áp lực ùn tắc giao thông...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem