Nghi vấn tiêu cực trong cấp sổ đỏ

Vinh Hải Thứ sáu, ngày 30/01/2015 07:03 AM (GMT+7)
Hàng loạt người dân ở xã Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đang tố cán bộ địa chính xã có hành vi bất minh trong việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Bình luận 0

Nộp tiền không có biên lai

Theo phản ánh của người dân xã Tân Đức, để có được GCN QSDĐ (sổ đỏ) hoặc làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhiều người dân phải "thỏa thuận" nộp tiền cho cán bộ địa chính để hoàn tất thủ tục. Khi sổ đỏ nằm trong tay, họ không hề nhận được chứng từ, hóa đơn hay biên lai đã nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Tiền dân đưa cán bộ địa chính được nộp vào ngân sách nhà nước bao nhiêu, chỉ cán bộ biết.

img
Nhiều người dân xã Tân Đức đang tố cáo việc bất minh của cán bộ địa chính xã.   

Ông Bùi Chí Bộ (xóm Diễn, xã Tân Đức) trong quá trình làm sổ đỏ đã phải đến nhà riêng ông Nguyễn Văn Hùng - cán bộ địa chính xã để nộp tiền.

Ông Bộ kể lại: "Đầu năm 2014, tôi đã đến nhà riêng anh Hùng vào buổi tối nộp 65 triệu đồng để thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư. Hơn một tháng sau, anh Hùng điện thoại cho tôi bảo mang thêm 4 triệu đồng nữa ra xã để làm thủ tục sang tên. Nhận sổ đỏ trong tay nhưng tôi không có biên lai nộp tiền, không biết thực tế gia đình đã phải nộp bao nhiêu tiền thuế sử dụng đất".

 

Tương tự, bà Lưu Thị Mỳ (xóm Ngoài, xã Tân Đức) cho biết cũng đã phải đến nhà riêng ông Hùng để giao 47,8 triệu đồng làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng 144m2 đất. Bà Mỳ cho hay: "Khi tôi xin anh Hùng hóa đơn thì nhận được câu trả lời là hóa đơn kẹp trong hồ sơ không trả lại".

Bà Dương Thị Tập (xóm Diễn, xã Tân Đức) là trường hợp hiếm hoi vẫn còn giữ giấy biên nhận tiền có chữ ký của ông Hùng. Theo nội dung trên giấy, bà Tập đã phải nộp trước tiền sử dụng đất với số tiền 20 triệu đồng để làm nhà theo đề nghị của gia đình. Nói một cách khác, bà Tập đã phải "đặt cọc" cho cán bộ địa chính để thực hiện việc động thổ, xây nhà khi chưa hoàn tất thủ tục giấy tờ.

Lo tiền "ngoại giao"

Nhiều hộ dân khác ở xã Tân Đức cũng đã đưa tiền cho ông Hùng như những trường hợp kể trên. "Cục tiền" chục triệu, trăm triệu được cán bộ địa chính xã sử dụng như thế nào là điều bí ẩn. Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho người dân, chính ông Hùng đã "hé lộ" khoản chi ngoài khoản tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Khi tư vấn cho một hộ dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Hùng nói: "Em làm hết được, bác không phải băn khoăn việc đấy, em lại rất gọn gàng, tính em thế. Như thế là hết cỡ rồi, không thể lo được hơn. Bây giờ tiền bác chưa đủ cả trăm, thì phải lo trước để em ngoại giao".

Theo như giao kèo miệng trước đó, để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư hộ dân này sẽ phải đóng phí, thuế khoảng 91 triệu đồng, ông Hùng đã ra giá trọn gói 100 triệu đồng để làm "dịch vụ". Khi người dân hỏi lại phí ngoại giao cần "mấy chục", ông Hùng đáp: "Lấy đâu mà ngoại giao hết mấy chục, có 9 triệu thôi. Tốt nhất là có thì cầm luôn, sau đó bác lo nốt... Nếu bác quyết định thì ngày mai hay ngày kia xoay lo nốt một phần".

Sau khi giao đủ 100 triệu đồng, hộ dân này cũng đã nhận được sổ đỏ và cũng như các trường hợp khác, họ không nhận được biên lai thu phí, lệ phí hay giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Đại diện Sở TNMT Thái Nguyên cho biết hiện quy trình đăng ký quyền sử dụng đất hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân đều đã được thực hiện theo quy chế một cửa. UBND xã sau khi nhận được hồ sơ của người dân sẽ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan TNMT cấp huyện để thẩm tra. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính (nộp phí, thuế) là do người làm đơn nộp. Theo quy trình trên, cán bộ địa chính xã không có trách nhiệm thu tiền đặt cọc hay thu tiền toàn bộ của người dân để làm thủ tục mà phải do người dân trực tiếp lên nộp.

Đã chơi thì làm ngay!

(Trích đoạn ghi âm ông Nguyễn Văn Hùng “hướng dẫn” người dân)


- Người dân: Sẽ thu xếp cho chú một phần đã để chú chạy cho.

- Ông Hùng: Tôi sẽ ngoại giao. Tóm lại bây giờ làm thì phải chuẩn bị luôn. Nộp đủ tiền thì cho ra đổ đất, xây nhà bình thường. Tôi làm khác ông Tuấn (nguyên cán bộ địa chính xã Tân Đức - PV), đã chơi thì làm ngay, làm nhanh, làm gọn, làm miệt mài. Muốn đơn giản được thì mình phải bỏ ra. Chứ bây giờ bảo tôi lên nói là hộ ông này, nhưng người ta nói luôn là có khi mày cầm tiền rồi lại bảo là hộ. Tôi dặn này, hướng làm như thế. Còn ai hỏi thì bảo làm theo đúng quy định, đừng nói ra, nói ra chỉ thiệt cho các bác thôi. Không phải giải thích với ai cả, ông nào thích đập thì đập chúng tôi... Không được nhiều, được ít thì cứ chuyển lên, tôi làm hồ sơ buổi nay buổi mai là xong. Mai bác có lúc nào cứ gói chuyển ra cho tôi, tôi làm ngay cho bác. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem