Nghĩa đồng bào...

Hòa Nguyễn Thứ năm, ngày 02/04/2020 06:11 AM (GMT+7)
Thời Hùng Vương cũng như các thời sau đã để lại vô vàn những câu chuyện thấm đẫm tình người về những nhân cách lớn, về sự giỏi giang của người Việt xưa. Những câu chuyện đó đã trở thành bài học quý cho hậu thế.
Bình luận 0

Theo những sự tích truyền lại đến nay, có nhiều câu chuyện về những người Việt đầu tiên khiến phương Bắc phải nể trọng về sự tài giỏi, lòng tự tôn dân tộc của họ.

Tự hào người Việt

img

Đình Chèm - nơi thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng, hiện nay tại phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội.  Ảnh: Nguyễn Hòa

"Dân tộc nào cũng có tinh thần cộng đồng, nhưng với Việt Nam chúng ta, tinh thần ấy được gắn kết, trở thành bản sắc văn hoá của dân tộc”.

PGS -TS Lê Quý Đức

Lý Thân (sống ở cuối đời Hùng Duệ Vương – Vua Hùng thứ 18, quê ở làng Chèm, nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm TP.Hà Nội) là một người như vậy. Lý Thân có người kỳ dị, thân hình to lớn, cao đến 2 trượng 3 thước (4m), là một người có chức nhỏ ở huyện ấp. Một lần thấy lính huyện đánh đập dân phu dã man, ông nổi giận đánh chết tên lính đó và bị triều đình khép tội chết. Tuy nhiên nhà vua thấy ông là người tài đức, lại có tướng mạo khác người nên không nỡ giết.

Đến thời An Dương Vương, Lý Thân là một tướng giỏi giúp vua được nhiều việc và được cử đi sứ nước Tần. Nhà Tần lúc đó có giặc Hung Nô vào quấy nhiễu, Tần Vương giữ ông ở lại giúp trừ giặc và phong làm Vạn Tín Hầu. Dưới sự lãnh đạo của Vạn Tín Hầu, quân giặc kéo đến bao nhiêu đều bị đánh tan tác. Vua Tần thưởng hậu hĩnh, muốn giữ ông lại nhưng nhớ quê hương, Lý Thân xin về nước Âu Lạc. Sau đó, quân Hung Nô lại sang đánh Tần, Tần Vương lại vời Vạn Tín Hầu sang giúp. Lý Thân không muốn đi nên Vua Thục phải nói tránh rằng ông đã mất. Vua Tần không tin, đòi xem xác, Lý Thân đành phải tự tử để tránh phiền hà cho vua mình. Vua Tần thương tiếc, cho đúc một pho tượng đồng khổng lồ theo hình ông, gọi là tượng Lý Ông Trọng. Tên ông về sau còn được người phương Bắc dùng để gọi chung các pho tượng lớn “Ông Trọng”.

Câu chuyện về Lý Thân chỉ là một trong số rất nhiều những sự tích, những giai thoại về người Việt cổ, về những con người tài năng, nhân cách và đầy lòng tự tôn dân tộc từ thời kỳ các Vua Hùng trở về sau này. Việt Nam đang bước vào những giai đoạn mới của sự phát triển kinh tế, đi cùng với đó là sự hội nhập sâu sắc về văn hoá. Tuy nhiên không vì thế mà những giá trị đạo đức, những giá trị tinh thần bị phai nhạt hay mất đi. Thế giới những ngày đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện rồi nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước, nhiều khu vực.

Không nao núng, Việt Nam đối mặt với dịch trong một tâm thế hoàn toàn chủ động. Số ca bệnh và các ca nghi nhiễm, tiếp xúc F1, F2, F3... đều được giám sát, quản lý chặt chẽ. Sự quan tâm, lo lắng cho nhân dân được thể hiện từ những điều đơn giản nhất. Chính phủ miễn phí điều trị, ăn ở cho tất cả những bệnh nhân hoặc người thuộc diện cách ly; nỗ lực hỗ trợ và đón những người Việt ở nước ngoài về... Như Phó Thủ tướng  Vũ Đức Đam đã nói: “... dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào".

Chia sẻ với phóng viên, PGS - TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa cho biết, chữ đồng bào lấy từ sự tích bọc trăm trứng mà ra, đến thời nhà Trần thì chữ đồng bào mới được sử dụng. “Tinh thần đồng bào ấy từ thời Hùng Vương cho đến giai đoạn sau này là tinh thần gắn kết cộng đồng người Việt chúng ta, trở thành truyền thống, ăn sâu vào trong tiềm thức, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thực chất nó biểu hiện tinh thần cộng đồng, chia ngọt sẻ bùi, hoạn nạn có nhau. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói đến "nghĩa đồng bào",  tôi cho rằng cũng là muốn phát huy sức mạnh truyền thống dân tộc. Chiều sâu ấy, truyền thống ấy có thể nói là một đặc trưng, đặc điểm của người Việt” - PGS -TS Lê Quý Đức nói.

Sức mạnh cộng đồng và sức mạnh cá nhân

Trở lại với những sự tích, những câu chuyện về những con người tài năng, đức độ của người Việt từ thời Hùng Vương đến các giai đoạn sau, PGS - TS Lê Quý Đức nhận định, đó là những câu chuyện để hiểu hơn về dân tộc mình,  về cội nguồn của mình. Một cộng đồng mà có cội nguồn sâu xa thì như một sức mạnh để củng cố ý thức dân tộc, gắn kết trong dựng nước, mở nước, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền.

Với những nhân vật được dân gian lưu truyền về tấm lòng kiên trung với nước, ý chí bất khuất, như Lý Thân, PGS Đức cho rằng những câu chuyện như thế phù hợp với tâm nguyện của người Việt Nam, tâm nguyện có một truyền thống riêng, có một bản lĩnh, bản sắc riêng. Xuyên suốt thời gian, người Việt từ thời Hùng Vương trên con đường hình thành dân tộc đã có ý thức về chủ quyền của một cộng đồng, có ý thức xây dựng một vùng đất mà do mình làm chủ, có tinh thần bảo vệ nơi mình làm chủ.

“Chuyện lịch sử xưa là tinh thần cộng đồng nói chung, là một sức mạnh rất to lớn, nhưng nó không phải là sức mạnh duy nhất với thời đại ngày nay. Hôm nay, sức mạnh ấy có thêm sự gắn kết của những cá nhân tự do. Phải vừa phát huy sức mạnh cộng đồng, gắn với sức mạnh của cá nhân trong thời đại ngày nay thì nó mới phát huy được, nhân lên được sức mạnh to lớn ấy” -ông Đức nhấn mạnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem