Nghịch lý trong bảo vệ rừng: Kiểm lâm “kiêm nhiệm”... bảo tồn

Thứ ba, ngày 18/09/2012 13:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lực lượng kiểm lâm quá ít so với diện tích rừng được giao bảo vệ. Không những thế, ngoài nhiệm vụ bảo vệ, kiểm lâm tại các khu rừng đặc dụng đang phải thực thi cả nhiệm vụ... bảo tồn.
Bình luận 0

Với diện tích gần 17.000ha, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa chỉ có 22 cán bộ vừa làm công tác bảo vệ, vừa làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

img
Hiện cán bộ kiểm lâm phải kiêm cả nhiệm vụ bảo tồn và bảo vệ.

Ông Nguyễn Văn Cường – Trạm trưởng, Trạm Kiểm lâm Cổ Lũng (thuộc Khu BTTN Phù Luông) cho biết: “Đúng là hiện nay khu bảo tồn chỉ có 22 kiểm lâm viên, nhưng lại “mất” mấy người tuổi cao, sức yếu làm sao có thể chiến đấu với địa hình này được. Nhìn thì các anh biết, trong khu rừng này đường thì chỉ có một, nhưng lối đi thì rất nhiều, mà anh em kiểm lâm không thể thạo đường bằng lâm tặc”.

Nói xong, ông dẫn chúng tôi băng qua một lối mòn để đến một khu rừng rậm rồi nói tiếp: “Khu BTTN Pù Luông có nhiều loài động, thực vật quý hiếm như: Lan hài, kim tuyến đá vôi, nghiến, voọc xám, sơn dương… Do kiểm lâm thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, nên trong một thời gian dài, công tác nghiên cứu khoa học chưa được chú trọng”.

Ở đây, thường mỗi kiểm lâm viên phải phụ trách 6-7 tiểu khu trong khu bảo tồn. Rừng quá rộng, lượng thông tin của người dân báo rất hạn chế, nên kiểm lâm gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng.

Một thực tế nghịch lý hiện nay tại các khu rừng đặc dụng là những kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng đang phải kiêm cả nhiệm vụ bảo tồn. Như trước hợp của ông Nguyễn Văn Cường đã có gần 15 năm công tác trong ngành với trên dưới 5 lần luân chuyển công tác tại các địa bàn.

Trong thời gian qua, không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ, ông còn làm cả công việc của một cán bộ bảo tồn, mặc dù không có chuyên môn trong lĩnh vực này.

Ông Cường cho rằng: “Cần thiết phải tách rõ, ai làm bảo tồn chỉ làm bảo tồn, ai làm bảo vệ chỉ làm bảo vệ. Những người làm bảo vệ mới cần luân chuyển để hạn chế tiêu cực, còn những người làm bảo tồn phải được làm cố định một nơi”.

Để làm bảo tồn đa dạng sinh học, các kiểm lâm viên tại khu BTTN thường được tham gia các lớp tập huấn. Tuy nhiên, trên thực tế công tác nghiên cứu khoa học tại một số khu BTTN chưa được chú trọng. Vì thế, nhiều kiểm lâm viên sau khi tham gia các khoá học bảo tồn trở về, phần lớn không được sử dụng, công việc chủ yếu vẫn đơn thuần là bảo vệ.

Ông Đỗ Ngọc Dương – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Pù Luông cho rằng: “Chúng ta phải thành lập được các phòng, ban chức năng, người nào làm bảo tồn được quy hoạch làm bảo tồn, người nào làm kiểm lâm được quy hoạch làm kiểm lâm, tức là mỗi người không phải làm nhiều việc và sẽ không có luân chuyển người làm bảo tồn nữa thì sẽ tốt hơn”.

Cũng theo ông Dương, đối với cán bộ bảo tồn cần được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cần phải hỗ trợ các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn theo từng chuyên đề, chẳng hạn như về cứu hộ động vật cứu hộ thực vật như thế nào, đào tạo giám sát đa dạng sinh học ra làm sao, giúp cho khả năng làm việc của cán bộ khu bảo tồn tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem