Ngư dân kể chuyện ứng cứu nhau giữa khơi xa

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 10/05/2016 10:00 AM (GMT+7)
Để bám biển giữ ngư trường, tránh những vụ tai nạn bất ngờ như bị đâm chìm, bắn cháy, cướp bóc… ngư dân Bình Định luôn kề vai sát cánh, lập thành tổ đội cùng nhau ra khơi.
Bình luận 0

Ngư dân sát vai bám biển

Tổ đội của ông  Bùi Thanh Ninh (Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định) nức tiếng thiện xạ bởi với 16 tàu cá, họ thường xuyên làm chủ biển khơi, đánh bắt đạt hiệu quả cao. 16 chiếc tàu này có tổng công suất 8.000CV, trong đó ông Ninh đứng tên 10 chiếc, 6 chiếc tàu còn lại được ông hỗ trợ đóng.

img

Ngư dân Bình Định luôn tích cực hỗ trợ nhau khi mưu sinh trên biển. Ảnh: D.T

Ông Ninh cho biết: “Việc thành lập đội liên kết sản xuất sẽ giúp anh em yên tâm bám biển. Ngoài việc hỗ trợ cứu nạn thì các tàu cá tham gia đội liên kết sẽ chia sẻ với nhau nơi có luồng cá nhiều để cùng đánh bắt. Khi đánh bắt xong sẽ dồn vào 1 tàu để đưa vào đất liền bán và vận chuyển nhiên liệu ra khơi, đỡ tốn chi phí”.

Để quản lý đội tàu với hàng trăm thuyền viên, ông Ninh tự bỏ tiền túi để trang bị máy Icom, radio kết nối liên lạc trực tiếp với từng tàu hoạt động ngoài khơi. “Tôi thường xuyên cập nhật tin tức và nắm bắt tình hình thời tiết từ báo, đài để theo dõi sát những mối nguy hiểm đang rình rập các tàu của mình ngoài khơi. Ngồi ở đất liền nhưng tôi có thể biết được vị trí hoạt động của từng tàu. Các tàu trong tổ đội sẽ đi gần nhau nên khi có sự cố xảy ra, họ dễ dàng kêu gọi các tàu xung quanh tới hỗ trợ và kịp thời liên lạc với cơ quan chức năng cùng xử lý nếu cần”.

Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết: “Đến nay, ngư dân Bình Định đã thành lập 451 tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển với 1.829 tàu cá tham gia. Nhờ vậy, trong 2 tháng đầu năm 2016, ngư dân đã đánh bắt được gần 20.000 tấn thủy sản các loại, tăng 260 tấn so với cùng kỳ năm 2015”.

Anh Đỗ Văn Thu (trú xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn)- thuyền trưởng tàu QNg 98604 TS vẫn nhớ như in chuyến biển tối 9.7.2015. Anh Thu cùng 10 thuyền viên khác đang hành nghề lưới vây gần đảo Đá Lớn, trong khu vực quần đảo Trường Sa thì tàu bị phá nước và chìm dần.

“Các thuyền viên chỉ kịp vơ vài gói mì tôm rồi hô nhau nhảy xuống thúng chai để khỏi chết chìm. Gần 40 giờ đồng hồ bám thúng chai chờ ứng cứu, 11 thuyền viên vật lộn với sóng gió, đói và khát. Trời yên chúng tôi leo lên thúng, mặc thúng trôi vô định. Nhưng lúc giông gió thì một nửa phải nhảy xuống nước bám mạn, người ở trên thì thay nhau tát nước. Ngày 11.7, các ngư dân may mắn được tàu BĐ 95541 của ông Trương Định (trú xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) tìm thấy và đưa lên tàu” - anh Thu nhớ lại.

Nhân rộng liên kết

Huyện Hoài Nhơn (Bình Định) được xem là “thủ phủ” của nghề khai thác thủy sản với đội quân gồm 2.436 tàu đánh bắt (tổng công suất 793.000 CV), chủ yếu hành nghề khai thác cá ngừ đại dương, câu mực, lưới chuồn… tại các ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết: “Việc thành lập các tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản đã giúp ngư dân thuận lợi trong trao đổi thông tin về ngư trường, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nhau trong lúc tai nạn, rủi ro trên biển. Hiện nay, ngư dân Hoài Nhơn đã thành lập được 362 tổ, đội với 1.459 tàu/12.883 thuyền viên tham gia. Nhờ vậy, sản lượng đánh bắt đến nay được 17.300 tấn (ước đạt 38,5%). Địa phương sẽ nhân rộng mô hình liên kết này và tiếp tục hỗ trợ để ngư dân yên tâm khai thác, đánh bắt trên biển”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem