Người bán dâm cần được bảo vệ bằng Hội nghề nghiệp được thừa nhận

Minh Nguyệt Thứ năm, ngày 22/09/2016 13:23 PM (GMT+7)
Đây là chia sẻ của bà Phạm Thị Thanh Huyền, Điều phối viên Tổ chức lao động quốc tế (ILO) với PV Dân Việt ngày 22.9 về việc thành lập Hội nghề nghiệp cho người bán dâm mà ILO đã kiến nghị trước đó.
Bình luận 0

Bà Huyền khẳng định: “Việc thành lập một tổ chức, Hội nghề nghiệp có tư cách pháp nhân, được pháp luật thừa nhận, có con dấu… Điều này giúp cho chị em làm nghề bán dâm trong các cơ sở nhạy cảm được bảo vệ. Các tổ chức, nhóm này sẽ đứng ra bảo vệ họ khi họ bị xâm phạm các quyền, như vậy các vấn đề này sẽ được giải quyết tốt hơn”.

Theo bà Huyền, mặc dù bây giờ có rất nhiều các câu lạc bộ, tổ nhóm của người bán dâm, nhưng những nhóm này hoạt động phi chính thức, không có tư cách pháp nhân nên không thể đứng ra để bảo vệ người hoạt động mại dâm.

Trước đó, tại Hội thảo về “Chính sách giảm hại trong phòng chống, mại dâm: vấn đề an toàn, sức khỏe và quyền con người” do Bộ LĐTBXH và ILO tổ chức, ILO đã công bố một nghiên cứu về hoạt động mại dâm. Ngay sau công bố, nhóm nghiên cứu đã nêu khuyến nghị thành lập tổ chức, Hội nghề nghiệp cho người bán dâm.

img

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trả lời phóng viên báo Dân Việt tại hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand sáng 22.9 do Bộ LĐTBXH và Quỹ dân số liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định không có chuyện thành lập Hội nghề nghiệp cho người bán dâm. “Nếu chưa công nhận mại dâm là một nghề thì đương nhiên chúng ta không thể thành lập Hội cho người bán dâm, với tư cách như là một hội nghề nghiệp có tư cách pháp nhân được” – ông Đàm khẳng định.

Tuy nhiên, ông Đàm cũng thừa nhận, hiện nay ở chỗ này chỗ kia, người ta đã tự hình thành các nhóm sinh hoạt của người bán dâm với nhau. Mặc dù vậy không ai tuyên bố đó là hội, đó là tổ chức, nhưng họ là những người cùng cảnh, cùng trụ lại với nhau đã giúp đỡ nhau, bảo vệ nhau trong cuộc sống cũng như công việc họ đang làm. Chính các nhóm mô hình đó cũng đã giúp cơ quan Nhà nước có được những thông tin, tiếng nói từ họ để phục vụ quản lý nhà nước, xây dựng chính sách, thực hiện chương trình dự án.

“Tôi cho rằng, cái này không có hại, chỉ có lợi thôi. Trong chương trình Phòng chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, Ban soạn thảo chương trình cũng khuyến khích phát triển các mô hình đồng đẳng, các câu lạc bộ để thực hiện truyền thông, vận động thay đổi hành vi, công việc của người bán dâm” – ông Đàm nói.

Theo thống kê của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) từ đầu năm tới nay (8 tháng đầu năm 2016) đã có thêm 28.677 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, nâng tổng số cơ sở này lên 126.000 cơ sở, với gần 100.000 nữ nhân viên làm việc, có nguy cơ cao hoạt động mại dâm. Hiện cả nước còn 711 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Đồng Nai, TP.HCM…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem