Người dân TP.HCM đối mặt ngập úng

Thứ ba, ngày 15/10/2013 07:00 AM (GMT+7)
Nhiều hộ dân sinh sống tại vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai đang thấp thỏm sợ ngập khi từ đây đến cuối năm TP.HCM còn đối mặt với nhiều đợt triều cường.
Bình luận 0
Nơm nớp sợ ngập

Sáng 14.10, anh Nguyễn Thành Lập (ngụ phường 19, quận Bình Thạnh) cho biết, đợt triều cường trong tháng 9 vừa qua đã gây ngập trong khu vực nhà anh ở. Mặc dù đỉnh triều không cao như mọi năm nhưng nhà anh vẫn bị nước triều tràn vào gây hư hại nhiều đồ đạc. “Có hôm sáng sớm thức dậy đã thấy nước tràn vào nhà hơn 10cm, thế là cả nhà phải dậy tát cạn nước rồi mới đi làm. Năm nào nhà cũng bị ngập dù có nâng nền nhà lên cao” - anh Lập cho biết.

Các đợt triều cường thường xuyên gây ngập tại TP.HCM.
Các đợt triều cường thường xuyên gây ngập tại TP.HCM.

Còn chị Lê Thị Huyền (ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12) cho hay, vào mùa xả lũ, triều cường, khu vực này thường bị ngập nặng. Theo chị, từ tháng 10 đến đầu năm sau, mỗi tháng đều có 2 đợt triều cường gây ngập úng trong khu vực. Nhiều hộ nuôi cá, trồng cây tại đây đã tự gia cố bờ bao, đắp cho lên cao hơn nhưng cứ có triều cường là bờ bao lại bị bể và bị tràn bờ.

Tương tự, nhiều hộ dân sinh sống dọc theo bờ sông Sài Gòn cũng đang nơm nớp sợ ngập úng do triều cường gây ra. “Ở đây năm nào cũng chịu vài trận ngập. Đặc biệt tại đây còn nhiều khu đất bỏ hoang giáp bờ sông nên bờ bao bị xuống cấp, hư hỏng không được gia cố nếu gặp triều cường lên cao thì chắc chắn sẽ bị bể, tràn bờ gây ngập”- ông Lê Văn Thành, ngụ phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, nói.

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên tại các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, hiện còn nhiều đoạn bờ bao xung yếu đã bị xuống cấp, thậm chí nhiều đoạn bờ bao còn đắp bằng đất nên có khả năng xảy ra các sự cố khi triều cường dâng cao, kết hợp xả lũ.

Vẫn còn nguy cơ ngập úng

Dự án công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn - công trình quan trọng góp phần kéo giảm ngập úng cho khu vực rộng lớn trên 6.500ha- đến nay cơ bản hoàn thành khi thực hiện xong 61/63km đê bao. Tuy nhiên, Dự án đê bao ngăn lũ bờ tả sông Sài Gòn hiện chưa triển khai. Cũng theo kế hoạch, tại TP.HCM sẽ có 13 cống kiểm soát triều quy mô lớn. Nhưng hiện chỉ có cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang được xây dựng, còn các cống khác chưa được thực hiện. Do đó hiện nay các công trình chống ngập tại thành phố vẫn chưa phát huy đồng bộ hiệu quả.

Theo ông Lê Văn Thành, 2 năm trở lại đây tình trạng ngập có giảm hơn nhưng người dân vẫn lo sợ vì các công trình chống ngập chưa hoạt động.


Trong khi đó, theo Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão TP.HCM, từ năm 2008 đến nay thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện thực hiện 372 công trình bờ bao phòng, chống triều cường, kết hợp chống sạt lở tiêu thoát nước với tổng chiều dài 490,2km. Tuy nhiên, đến nay mới có 338 công trình hoàn thành với tổng chiều dài 330,9km. Đặc biệt, tại một số quận, huyện có công trình được thực hiện từ năm 2008 đến nay vẫn chưa làm xong.

Một cán bộ thuộc Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam nhận định khả năng ngập úng vẫn có thể xảy ra tại vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai. Bởi vì hệ thống bờ bao, công trình chống ngập tại đây còn nhiều hạn chế và thiếu đồng bộ, nhiều đoạn bờ bao yếu, nhỏ, xuống cấp, mức độ kiên cố thấp nên khi có triều cường vẫn xảy ra vỡ đê gây ngập úng cục bộ. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp và thường chịu ảnh hưởng của việc xả lũ của các hồ chứa ở thượng nguồn cũng làm cho nhiều khu vực có nguy cơ bị ngập nặng.

Hữu Ký (Hữu Ký)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem